Gần 2.000 tàu cá sẽ được hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS
Kinh tế - Ngày đăng : 09:41, 13/11/2024
Theo đó, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá là 175.000 đồng/1 tháng/1 tàu, gần bằng 50% mức phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá hàng tháng hiện nay (hàng tháng, các chủ tàu cá đang trả phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá hàng tháng dao động từ 350.000 đến 435.000 đồng/máy (bình quân 381.000 đồng/máy), tùy nhà cung cấp dịch vụ). Thời gian hỗ trợ là 36 tháng, kể từ 1/1/2025 thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ. Hỗ trợ từng quý theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và chủ tàu cá, có hóa đơn của đơn vị cung cấp dịch vụ. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho khoảng 1.950 tàu trong 3 năm là 12,285 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 4,095 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Chủ tàu cá được hưởng chính sách hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện sau: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đăng ký tại tỉnh Bình Thuận, có đầy đủ các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực; giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực. Có hợp đồng thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá được ký kết giữa chủ tàu cá với đơn vị cung cấp dịch vụ kèm theo hoá đơn cung cấp dịch vụ. Thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá phải duy trì tín hiệu kết nối liên tục khi hoạt động trên biển theo đúng quy định. Đặc biệt, chủ tàu cá không được hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá khi vi phạm một trong các trường hợp sau: Tàu cá bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định tại Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017. Thời gian không được hỗ trợ là 12 tháng, kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tàu cá nằm bờ liên tục từ 2 tháng (60 ngày) trở lên trong một quý thì không được hỗ trợ trong quý đó.
Bình Thuận hiện có 1.949 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Đến nay, toàn tỉnh có 1.941/1.949 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%; số tàu cá chưa lắp đặt VMS là 8 tàu do ngừng hoạt động (hư hỏng nằm bờ chờ bán 3 tàu, chờ thi hành án 5 tàu). Theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, thiết bị VMS lắp trên tàu cá buộc phải mở máy 24/24 kể từ khi tàu rời bến đi hoạt động trên biển cho đến khi về lại cập bến.
Theo số liệu thống kê từ các nhà cung cấp dịch vụ, số tàu hết phí dịch vụ thời điểm ngày 16/8/2024 là 485/1.941 tàu lắp thiết bị VMS. Khi các chủ tàu cá không đóng phí thuê bao dịch vụ vệ tinh đúng hạn, đơn vị cung cấp thiết bị VMS sẽ ngắt kết nối thiết bị VMS dẫn đến dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá khai thác kém hiệu quả, công tác phòng, chống khai thác IUU gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị VMS tàu cá trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” EC, tiến tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Đồng thời, góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.