Nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm OCOP
Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 20/11/2024
Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm
Bình Thuận được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương, triển khai các mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng đến kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ như là một mục tiêu chung. Dù triển khai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, tuy vậy chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” của tỉnh đã đạt được những dấu ấn tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2019, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” bắt đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trong giai đoạn 2019 – 2021, trong đó có 34 sản phẩm được công nhận 3 sao, 34 sản phẩm được công nhận 4 sao và 2 sản phẩm được công nhận 5 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh chủ yếu là nước mắm, rong nho, nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy và hải sản…
Tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP, trong đó 8 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ đánh giá, phân hạng. Kết quả của năm 2024, được đánh giá là khá khả quan theo kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành. Theo đó định hướng phát triển sản phẩm OCOP là ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất, sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, các địa phương quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp. Sản phẩm đăng ký đã đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện. Đặc biệt, các địa phương đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi, hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hàng hóa đúng quy định.
Tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tăng khả năng cạnh tranh
Năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ phát triển thêm ít nhất từ 80 - 130 sản phẩm OCOP mới, xây dựng thêm 3 điểm du lịch cộng đồng và có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh biết. Rà soát các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Quá trình phát triển các sản phẩm OCOP phải ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất, sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, HACCP, ISO. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế hướng dẫn chủ thể khởi đầu chu trình bằng việc xây dựng và hoàn thiện ý tưởng sản phẩm mới, hình thành các tổ chức sản xuất là doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh; đồng thời, hướng dẫn triển khai chu trình OCOP, đánh giá thị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, sản xuất thử nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất đại trà...
Đối với các sản phẩm đã có, chính quyền địa phương hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng hồ sơ tham gia dự thi đánh giá, phân hạng các cấp. Đối với các sản phẩm nâng cấp, thăng hạng từ 3 sao tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp lên hạng sao cao hơn, đặc biệt là các sản phẩm tiềm năng 5 sao. Để làm được điều đó, các địa phương cần đưa vào kế hoạch triển khai chương trình OCOP hàng năm, vận động và bố trí nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Đồng thời hỗ trợ bao bì, nhãn mác, máy móc thiết bị, cũng như vận động các chủ thể OCOP tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.