Nghe và Thấy: Chó bỏ rơi và câu chuyện phòng bệnh dại
Đời sống - Ngày đăng : 05:24, 21/11/2024
1. Sáng ngày 19/11, nhiều người lưu thông qua lại gốc ngã tư đường Võ Văn Kiệt – Tuyên Quang (TP. Phan Thiết) không khỏi xót xa khi chứng kiến 3 chú chó con được đựng trong 1 thùng xốp bên ngoài có dòng chữ “Chó con cho miễn phí”. Hình ảnh sau đó được lan truyền trên các hội nhóm yêu động vật, những chú chó này sau đó cũng có người nhận về nuôi. Tuy nhiên câu chuyện nhận được sự chia sẻ với những cảm xúc xót thương, trong đó có những bình luận thể hiện những chú chó này khá may mắn khi chủ nhà lựa chọn góc ngã tư đông người, để cơ hội tìm chủ mới được chăm sóc chu đáo tốt hơn, thay vì đem bỏ nơi vắng vẻ, bụi cây. Câu chuyện lên mạng đăng tin “cần cho chó, mèo”, hay đăng thông tin chó bị bỏ rơi ở các bụi cây, nơi vắng vẻ với mong muốn tìm chủ cũ và mới của những người yêu động vật giờ không còn lạ lẫm. Nhiều chú chó không may mắn được chủ mới nhận nuôi, trở thành chó hoang, sống tại các khu vực chợ, gần khu dân cư cũng đang là vấn đề lo ngại phát sinh bệnh dại của người dân. Cách đây không lâu người dân và tiểu thương chợ Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc cũng hết sức lo lắng, khi khu vực này tồn tại nhiều chó hoang vô chủ, sống nhờ vào đồ ăn thức uống của những người buôn bán ở chợ thương tình cung cấp. Tuy nhiên đợt cao điểm bệnh dại vừa qua thi thoảng chứng kiến cảnh những chú chó này cắn nhau với những con chó khác và có nguy cơ tấn công cả con người nên đã dấy lên nhiều lo ngại về phát sinh bệnh dại. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự nhìn nhận cách nuôi chó mèo sau cho phù hợp để có cách đối xử hợp lý, không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
2. Ai cũng biết chó là thú nuôi gần gũi, thân thiện, trung thành với chủ. Nuôi chó ngoài tình yêu thương để làm bạn, thì còn mục đích giữ nhà, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên ai cũng biết gần đây ý thức của người dân về ăn thịt chó, mèo cũng giảm hẳn qua việc các quán bán thịt chó dần đóng cửa. Điều này cũng đã góp phần giảm đáng kể tình trạng “cẩu tặc”, thậm chí có nơi không còn tồn tại nạn bắt trộm chó. Chính điều này đã làm cho số lượng chó trong khu dân cư tăng lên, nếu như chủ nhà không kiểm soát để sinh sản tràn lan. Trường hợp anh Trần Ngọc Tình (ngụ xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ là điển hình. Nhà anh Tình nuôi 2 con chó cái. Do sơ ý không tiêm ngừa triệt sản đúng thời kỳ nên cả 2 đã sinh sản đến 7 con chó con. Anh đăng lên mạng cho bớt, nhưng dường như không ai xin vì nhà nào cũng đã có nuôi chó. Trước đây, một công ty khai thác khoáng sản khu vực núi Tà Dôn do có bếp ăn trưa dành cho công nhân nên thức ăn dư thừa nhiều nên họ tiếp nhận chó đem tới nuôi với mục đích bảo vệ công ty. Nhưng dần lượng chó, mèo người dân đem tới bỏ rất nhiều nên nơi đây quá tải cũng không thể tiếp nhận nữa. Cuối cùng anh Tình đành phải nuôi gần như hết đàn chó vì đã lỡ “mến tay, mến chân”. “Bỏ thì thương, vương thì rối”, việc nuôi quá nhiều chó trong nhà không chỉ gây phiền phức trong sinh hoạt cho anh mà còn cho cả hàng xóm, bởi lượng thức ăn không thể đáp ứng nên bầy chó thường xuyên sang nhà hàng xóm. Đó là chưa kể vệ sinh môi trường xung quanh bị ảnh hưởng.
3. Bình Thuận là tỉnh ghi nhận có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước trong năm 2024, với 9 ca. Điều này dấy lên mối lo của người dân, cũng như là hồi chuông cảnh báo trong việc phòng, chống bệnh dại. Điển hình mới nhất ngày 12/11 vừa qua, tại xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) 1 con chó thả rông cắn 3 người trong hộ gia đình tại đội 4 - thôn Tiến Hải. Sau đó con chó này chết và qua kết quả xét nghiệm cho thấy, con chó này đã bị nhiễm virus dại. Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết phải phối hợp với UBND xã Tiến Thành tổ chức phun xịt sát trùng và tiêm phòng bệnh dại cho các hộ có nuôi chó, mèo tại đội 4 và những khu vực xung quanh nhằm khống chế dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Qua bài viết và những câu chuyện chia sẻ, để cùng chung tay phòng chống, ngăn chặn bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo ngoài việc tiêm chủng đầy đủ, áp dụng các biện pháp phòng dại, thì cũng cần tính toán nuôi đúng số lượng, có kiểm soát, tránh phát sinh dẫn đến dư thừa bỏ ra bên ngoài, dẫn đến dễ phát sinh nguy cơ bệnh dại trong cộng đồng. Thực hiện tốt điều ấy cũng là cách chúng ta yêu thương và bảo vệ động vật.