Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Nên bổ sung pháo hoa vào hàng hoá áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt
Chính trị - Ngày đăng : 18:57, 22/11/2024
Tham gia góp ý, đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nhất là việc tăng thuế suất đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá.
Góp ý cụ thể về đối tượng chịu thuế tại Điều 2; khoản 1 đối với hàng hóa; điểm g, xăng các loại; theo đại biểu, chỉ nên áp dụng thuế TTĐB đối với xăng truyền thống; không đưa xăng E5, E10 vào để tính hàng hoá áp dụng thuế TTĐB. Phân tích nguyên nhân, theo đại biểu hiện nay Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học để bảo vệ môi trường. Mặt khác, nếu áp dụng TTĐB cho xăng các loại như dự thảo luật, khi giá xăng tăng sẽ dẫn đến nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, giá cả hàng hoá tăng theo. Do vậy, trong điều kiện khó khăn chung không nên tính thuế TTĐB đối với E5, E10 nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên đưa mặt hàng pháo hoa vào áp dụng thuế TTĐB. Phân tích lý do, đại biểu cho biết thời gian qua, người dân đốt pháo hoa rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ, mất an toàn. Mặt khác, pháo hoa không phải là mặt hàng thiết yếu hàng ngày nên cần phải áp dụng thuế TTĐB.
Về nước giải khát, đại biểu cũng đề nghị không áp dụng hàng hoá TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường trên 5g/100ml theo tiêu chuẩn Việt Nam. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng hiện nay chưa có cơ sở chứng minh nguyên nhân béo phì, tiểu đường là do sử dụng nước ngọt. Thực tế hiện nay, người dân đã có ý thức trong việc sử dụng những sản phẩm có đường. Nếu áp dụng như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành sản xuất nước ngọt, ngành mía đường và nông dân trồng mía.
Mặt khác, nếu áp dụng thuế đối với nước giải khát có đường trên 5g/100ml theo tiêu chuẩn Việt Nam thì hiện nay các sản phẩm như viên sủi, gói bột cam... có thể pha thành nước giải khát nếu không chịu thuế sẽ không hợp lý.
Liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tại khoản 2, đối với massage, đại biểu đề nghị không áp dụng thuế TTĐB đối với các cơ sở massage do Hội Người mù thực hiện. Đây là những người yếu thế học nghề để chăm sóc sức khoẻ và tạo việc làm, nếu áp thuế suất bằng các loại hình massage khác thì sẽ không thu hút được khách hàng, ảnh hưởng đến đời sống những người yếu thế.
Tại Điều 3 về đối tượng không chịu thuế; đại biểu thống nhất nội dung tại khoản 5 quy định: “Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều này để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, giao Chính phủ xem xét, quy định.”. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng, thực tế phát triển có những vấn đề diễn ra rất nhanh. Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội mới đây, Luật chỉ ban hành khung, chi tiết sẽ giao Chính phủ xem xét quy định. Mặt khác, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đang được đề nghị sửa đổi. “Trước mắt giao Chính phủ xem xét, quy định sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế TTĐB. Sau này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi sẽ phù hợp hơn” - đại biểu Đặng Hồng Sỹ lý giải.
Tại Điều 8 về thuế suất, đại biểu thống nhất rượu có nồng độ cồn trên 20 độ nên áp dụng thuế suất theo phương án 2 như Tờ trình trong dự thảo luật, rượu có nồng độ cồn dưới 20 độ nên áp dụng thuế suất theo phương án 1; đối với bia nên áp dụng thuế suất theo phương án 1 như Tờ trình trong dự thảo luật đề xuất.