Hoàn thiện các quy định lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND
Xã hội - Ngày đăng : 21:24, 22/11/2024
Hoàn thiện quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát
Tham gia ý kiến cụ thể tại Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH&HĐND, đại biểu Bố Thị Xuân Linh thống nhất chọn Phương án 1 (bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 3), vì phương án này thể hiện đầy đủ, phù hợp và luật hóa quy định của Nghị quyết số 334 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND tạo cơ sở pháp lý cụ thể để thi hành nguyên tắc mới được bổ sung, tạo sự thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13, đại biểu Bố Thị Xuân Linh thống nhất chọn Phương án 1, vì ngoài Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước, Quốc hội vẫn xem xét, thảo luận vào kỳ họp cuối năm như quy định hiện hành, còn lại các báo cáo khác Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận vào kỳ họp giữa năm của năm sau. Việc đồng thời sử dụng kết quả từ các báo cáo tổng kết năm của Chính phủ, bộ, ngành, sẽ tránh lãng phí về nguồn lực trong việc xây dựng các báo cáo.
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Điều 16 (khoản 10 Điều 1 dự thảo); Điểm a khoản 10 (sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 16) quy định: “…Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định các thành viên khác của Đoàn giám sát. Trường hợp cần thiết, trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội thay đổi Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.” Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét không cần thiết quy định việc thay đổi thành viên Đoàn giám sát phải báo cáo Quốc hội. Vì thành viên Đoàn giám sát đã giao cho UBTVQH quy định nên chỉ cần báo cáo Quốc hội về việc thay đổi Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn giám sát.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 (khoản 14 Điều 1 dự thảo); đại biểu thống nhất chọn Phương án 1. Lý giải, đại biểu cho rằng, Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) không quy định việc ban hành văn bản quy định chi tiết Hiến pháp. Đồng thời, Luật Ban hành VBQPPL chỉ quy định thẩm quyền của UBTVQH ban hành VBQPPL để quy định giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; không quy định thẩm quyền của UBTVQH ban hành VBQPPL để quy định chi tiết Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Do đó, cần sửa đổi quy định của khoản 1 Điều 21 Luật hiện hành như dự thảo để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành VBQPPL.
Bổ sung chế tài cụ thể trong hoạt động giám sát của HĐND
Đối với nội dung bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 31 (khoản 21 Điều 1 dự thảo), đại biểu thống nhất chọn Phương án 1. “Bởi vì tại Điều 30 và Điều 31 Luật hiện hành đã quy định UBTVQH có thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri. Mặt khác, trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nếu chúng ta quy định cụ thể một cơ quan tham mưu, giúp việc thì sẽ khó đảm bảo được tính ổn định lâu dài của dự thảo luật, cũng như thiếu đi sự chủ động, linh hoạt của UBTVQH trong thực hiện nhiệm vụ được giao” - đại biểu Bố Thị Xuân Linh lý giải.
Về bổ sung Điều 52a sau Điều 52 (tại Khoản 32 Điều 1), đại biểu cơ bản thống nhất việc bổ sung Điều 52a sau Điều 52; tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chế tài (trách nhiệm) đối với cơ quan, đơn vị, địa phương chậm báo cáo hoặc không thực hiện việc báo cáo theo thời gian quy định của Luật này, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đối với công tác giám sát của Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong việc thực hiện công tác giám sát theo quy định.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Điều 89 (tại Khoản 50 Điều 1); Luật hiện hành chỉ quy định xử lý theo thầm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, mà chưa quy định các chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát nhưng không thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận, kiến nghị giám sát. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết chế tài cụ thể trong các hoạt động giám sát của HĐND.
Ngoài ra, đại biểu cũng thống nhất với nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo là “Nghị quyết, kết luận việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát phải được gửi đến người đứng đầu, cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát; trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.”. Đồng thời, bổ sung cụm từ “Tổng Thư ký Quốc hội” để phù hợp với điểm b, khoản 1 Điều 89 của Luật Tổ chức Quốc hội...