Tánh Linh: Người dân tăng thu nhập nhờ đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:12, 25/11/2024
Tánh Linh là một trong những huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của Bình Thuận. Vì vậy, nhiều nhiệm kỳ qua cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cả về chất lượng lẫn số lượng. Đầu tư có trọng điểm các loại cây, con cho năng suất cao, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn huyện là 33.650 ha, đạt 99,8% kế hoạch năm. Trong đó, diện tích cây lương thực 29.544 ha, đạt 101,9% so với kế hoạch. Sản lượng lương thực ước đạt 196.267 tấn, đạt 100,1% kế hoạch năm. Trong đó nổi bật là cây lúa, nhờ chủ động được mùa vụ gieo trồng nên diện tích gieo trồng đạt 27.480 ha, đạt 103,6% kế hoạch, sản lượng đạt 137.226 tấn (vụ đông - xuân 67.982 tấn, vụ hè - thu 53.314 tấn, vụ mùa ước đạt 58.000 tấn). Các giống lúa sử dụng chủ yếu OM5451, OM4900, OM18, ML 202... Anh Mai Trí Mân – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT Tánh Linh cho biết: Năm 2024 huyện đã bố trí trên diện tích ở các cánh đồng xã hội hóa giống lúa được 673 ha, trong đó vụ đông - xuân 2023-2024 sản xuất được 312 ha, vụ hè - thu 2024 liên kết sản xuất giống lúa 117,75 ha, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết với người dân sản xuất giống lúa OM 5451 diện tích 53,75 ha, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long liên kết sản xuất 64 ha và vụ mùa 2024 xã hội hóa giống lúa 243,8 ha, Chủng loại giống sản xuất trên đồng ruộng chủ yếu: OM4900, OM 5451, ML 202 của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam; OM 5451, OM 18 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Cửu Long 666; Hương Cửu Long của Công ty cổ phần Giống cây trồng Cửu Long. Triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình SRI trong canh tác tại 2 xã (Đức Phú và Gia An) với diện tích 10 ha. Qua kết quả thực thu 2 mô hình đều đạt năng suất 75 tạ/ha (cao hơn 5 tạ/ha so với sản xuất truyền thống), theo giá thị trường thu mua 9.000 đồng/kg tại thời điểm thu hoạch, như vậy thu nhập từ mô hình chênh lệch cao hơn so với sạ thông thường khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha. Bên cạnh cây lúa, Tánh Linh còn phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi lợi thế khác như cao su, điều, cà phê, sầu riêng... cá thát lát, cá lăng, bò, gà, dê...
Từ việc thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và ưu tiên sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay Tánh Linh đã có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 – 4 sao và sắp tới sẽ có thêm 18 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Những sản phẩm OCOP của Tánh Linh đang được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh có thể kể đến là gạo ST 25 Đức Lan, chả cá thát lát Phối Phối, các loại ớt bột, ớt khô, ớt tươi lên men sa tế Hoàng Gia, yến sào, tinh nghệ Đông Đan, thịt thỏ sấy gác bếp Huy Khiêm, sầu riêng Đức Phú... Nhờ có chủ trương, chính sách và định hướng tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nhiều năm nên người dân Tánh Linh đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập trong sản xuất chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Tánh Linh trong thời gian gần đây đã tăng lên với con số khá ấn tượng. Theo thống kê năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở Tánh Linh là 43,1 triệu đồng/người/năm đến 2023 là 49,8 triệu đồng/người/năm và năm 2024 đạt 53,6 triệu đồng/người/năm. Việc người dân có bình quân thu nhập tăng lên qua từng năm đang thể hiện sự năng động, sáng tạo hiệu quả của hệ thống chính trị và người dân trong cách làm nông nghiệp ở Tánh Linh...