Chuyện người dân thôn Suối Máu vượt khó vươn lên làm giàu
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:29, 26/11/2024
Đến Suối Máu, 1 trong 5 thôn của xã Tân Hà (chủ yếu là người dân tộc thiểu số Raglay sinh sống) vào những ngày này, chúng tôi bất ngờ trước sự đổi thay của vùng đất này, khi nghĩ lại những hình ảnh nhiều nhà tạm, dột nát của thôn những năm trước đây. Giờ đây hình ảnh ấy đã lùi xa, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói truyền thống rộng khang trang, xen trong đó không ít ngôi nhà mái Thái tiền tỷ. Nếu là người chưa từng đặt chân đến thôn, khách sẽ nghĩ đây là thôn người Kinh chứ không phải thôn của người đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phần lớn còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, xuất phát điểm thấp nên Đảng, Nhà nước đang đặc biệt quan tâm.
Chính vì vậy, việc xây một ngôi nhà khang trang với số tiền tỷ đối với họ là rất khó, khi cuộc sống hằng ngày luôn thiếu trước hụt sau. Điều này thấy rõ ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số như: La Dạ, Đông Giang, Mỹ Thạnh của các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và nhiều địa phương khác. Nhưng ở thôn Suối Máu, nơi có 169 hộ/735 khẩu, trong đó chỉ có 5 hộ nghèo, hơn 30 hộ cận nghèo, chủ yếu làm nghề nông, số ít làm công nhân ở các công ty trong và ngoài địa phương, như Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát, Mỏ đá Tân Hà… thì rất dễ. Nhiều hộ nghèo vươn lên khá giả, xây nhà mái Thái tiền tỷ, như hộ Mang Thị Dự, Mang Tâm, Trần Văn Tâm...
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng thôn Suối Máu cho biết: Trong thôn có nhiều hộ xây nhà cao cửa rộng, nhờ con cái lớn lên chịu khó làm ăn, biết tằn tiện trong chi tiêu. Trước đó, họ là những hộ nghèo, nay đã thoát nghèo trở thành khá giả, đóng góp nhiều cho địa phương làm đường giao thông nông thôn và cho các quỹ của thôn. Ngoài ra, họ còn tích cực ủng hộ thiên tai cho các tỉnh bị ảnh hưởng bão, lũ.
Điển hình, hộ ông Mang Tâm, từ một hộ cận nghèo nay đã xây nhà mái Thái với số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng, chưa kể mua sắm tiện nghi trong gia đình. Ông Tâm chia sẻ, mình sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mẹ nghèo khó. Năm 1996, ông lập gia đình, làm đủ nghề, bao gồm đi rừng săn, bắt, hái, lượm sản vật rừng, vẫn không đủ ăn, rồi trở thành hộ cận nghèo của thôn. Nhưng bằng ý chí, nghị lực vươn lên, ông nói với vợ mở một tiệm tạp hóa tại nhà buôn bán cho tiện việc chăm sóc con cái, còn ông thì ai kêu gì làm nấy.
Rồi ông tập tành làm nghề lái bò, với số bò vốn có của mình, ông bán đi, có lời chút ít, ông lại mua bò khác về chăm sóc một thời gian lại bán… Cứ như vậy, vợ chồng ông tằn tiện, có được khoản dư, ông vay thêm ngân hàng mua xe máy kéo, ai thuê gì chở nấy. Năm 2022, vợ chồng ông thấy con cái đã lớn, có của ăn, của để, ông xây căn nhà mái thái này. Đến nay vợ chồng ông không nợ ngân hàng, đất nhà nước cấp theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy (đất 04), vẫn còn nguyên, mỗi năm thu về 30 – 40 triệu đồng từ thu hoạch bạch đàn và keo lá tràm. Cùng với việc vợ ông buôn bán tạp hóa, cuộc sống gia đình ông cũng khá ổn định.
Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình mình, ông Tâm còn động viên các em trong gia đình, chịu khó làm ăn, tiết kiệm tự lo cho mình là chính, không ỷ lại hỗ trợ từ nhà nước. Ông nói, “mình phải lo cho mình trước, cứ trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước thì biết khi nào có cuộc sống đủ đầy, vì nhà nước còn nhiều chuyện phải lo…”.
Nhờ định hướng đó, mà các em của ông ai cũng khá giả. Bà Mang Thị Dự em ông Tâm đang làm việc ở Công ty may Nhà Bè ở La Gi, có chồng làm việc ở Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát tại xã, cũng xây được ngôi nhà mái thái to đẹp. Ngoài ra, ở thôn còn một số hộ khác, cũng từ hộ nghèo vươn lên, xây nhà mái Thái tiền tỷ không thua kém người Kinh khá giả...
Ông Đỗ Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Hà vui mừng cho biết, Tân Hà có 5 thôn, trong đó có Suối Máu chiếm hơn 90% là người dân tộc thiểu số. Toàn thôn có 11 đảng viên, họ đều được nhân dân tín nhiệm vào hệ thống chính trị thôn. Từ Bí thư thôn cho đến tổ trưởng an ninh thôn đều là đảng viên có uy tín trong cộng đồng. Nhờ đó công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách cũng như phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân thuận lợi. Nhận thức của người dân ngày càng nâng lên, họ biết tự lo cuộc sống cho chính mình, chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Mỗi lần xã, thôn phát động phong trào gì, nhân dân trong thôn tích cực tham gia đóng góp. Riêng còn một số hộ nghèo, chúng tôi phân công cán bộ xã phối hợp với thôn hỗ trợ giúp đỡ. Những hộ nào không lo làm ăn, cứ ở nhà ăn nhậu sống ỷ lại Nhà nước chúng tôi đến tận nhà vận động, giải thích... Nếu không có việc làm thì chúng tôi giới thiệu việc làm, còn nếu bệnh đau, chúng tôi hướng dẫn mua bảo hiểm…”, ông Hùng nói thêm.
Chính sự quyết tâm trên, vì vậy ở thôn Suối Máu không có tình trạng phụ nữ, thanh niên ở nhà ăn chơi, đa số đều có làm việc, số người lớn tuổi còn sức lao động thì chăn bò, dê. Cuộc sống ngày càng khấm khá, nhà cửa khang trang tạo bộ mặt nông thôn ở Suối Máu giàu đẹp...