Ông Donald Trump cân nhắc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên
Quốc tế - Ngày đăng : 10:23, 27/11/2024
Reuters dẫn các nguồn tin cho hay, một số nhân vật trong nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump coi cách tiếp cận trực tiếp với Triều Tiên là cách khả dĩ nhất để “phá băng” mối quan hệ với ông Kim Kong-un.
Quá trình thảo luận về chính sách trong nhóm chuyển giao quyền lực diễn ra rất suôn sẻ nhưng ông Trump chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khu phi quân sự liên Triều ngày 30/6/2019. Ảnh: Reuters
Hiện vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phản ứng như thế nào nếu ông Trump đề nghị đối thoại trực tiếp.
Trong 4 năm qua, Triều Tiên đã phớt lờ đề xuất khởi động các cuộc đàm phán từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong khi liên tục mở rộng kho tên lửa và tìm cách xích lại gần hơn với Nga.
“Chúng ta đã tiến xa nhất có thể trong việc đàm phán với Mỹ”, ông Kim Jong-un tuyên bố tại triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng tuần trước.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên từ năm 2017-2021, ông Trump đã tiến hành 3 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore, Hà Nội và khu vực biên giới liên Triều. Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên khi bước qua đường biên giới theo lời mời của ông Kim Jong-un.
Song nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Triều Tiên khi đó đã không đạt được kết quả cụ thể dù ông Trump từng mô tả các cuộc đối thoại của hai bên là rất thân thiện. Phía Mỹ kêu gọi Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân trong khi ông Kim Jong-un kiên quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt.
Hiện chưa rõ những nỗ lực ngoại giao mới sẽ mang lại kết quả như thế nào. Mục tiêu trước mắt của ông Trump là tái khởi động những cam kết giữa 2 bên ở mức cơ bản, nhưng hiện chưa có lộ trình cụ thể. Điều này là bởi, vấn đề Triều Tiên có thể bị đẩy xuống thứ yếu, đặt sau các vấn đề cấp bách hơn ở Trung Đông và Ukraine.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa công khai đề cập đến việc ông Trump tái đắc cử. Ông Kim Jong-un gần đây cũng nói rằng Mỹ đang khiến căng thẳng leo thang và làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Cuối tuần trước, ông Trump đã đề cử ông Alex Wong, một trong những nhân vật thực thi đề xuất chiến lược tiếp cận trực tiếp với Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống của ông, làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia.
“Trên cương vị là Phó Đại diện Đặc biệt phụ trách vấn đề Triều Tiên, ông ấy đã hỗ trợ quá trình đàm phán Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa tôi và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, ông Trump nêu rõ trong tuyên bố đề cử ông Wong.
Vẫn còn nhiều trở ngại phía trước
Ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên ở mức cao, giống như năm 2017, khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên.
“Kinh nghiệm của tôi với ông Trump là ông ấy nhiều khả năng sẽ cởi mở hơn trong việc tiếp cận trực tiếp. Tôi lạc quan cho rằng, chúng ta có thể chứng kiến việc cải thiện quan hệ giữa hai bên qua đó ông Kim Jong-un có thể chấp thuận sự khác biệt về quan điểm nếu các cuộc đối thoại được mở lại”, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty chia sẻ.
Chính quyền Mỹ đang đặc biệt lo ngại về việc Triều Tiên mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, những lời lẽ ngày càng thù địch với Hàn Quốc và sự hợp tác ngày càng thắt chặt với Nga. Trong đó, Washington đặc biệt lo ngại đến khả năng chia sẻ công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa Nga - Triều, cùng với việc Triều Tiên triển khai hàng ngàn binh sĩ sang Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine.
Ngày 25/11, Reuters đưa tin Triều Tiên đang mở rộng một tổ hợp sản xuất vũ khí quan trọng để lắp ráp các loại tên lửa tầm ngắn mà Nga sử dụng ở Ukraine. Giới chức Mỹ cho rằng các yếu tố này làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Âu hoặc châu Á.
Hiện binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại khu vực nhằm răn đe Triều Tiên và ông Trump đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh của Mỹ chia sẻ thêm chi phí cho việc triển khai binh sĩ Mỹ nói trên.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Peru đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tác động lên Triều Tiên. Dù vậy, cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị hạn chế trong bối cảnh ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Hơn thế nữa, nhiều nhân vật trong Nội các mới do ông Trump lựa chọn như Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz đều là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.