Xây dựng môi trường mạng an toàn cho công dân số tương lai
Trong nước - Ngày đăng : 10:39, 27/11/2024
Những nguy cơ mất an toàn khôn lường trên môi trường số
Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có khoảng 78,44 triệu người sử dụng Internet, tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1% và có khoảng 70,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số, Việt Nam hiện cũng đang đứng thứ 11 thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet. Có thể thấy môi trường số tại Việt Nam đang rất rộng mở và liên tục tăng trưởng, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế số khi số cuộc tấn công mạng, tấn công dữ liệu, tấn công lừa đảo người dùng ngày càng gia tăng và tinh vi.
Số liệu thống kê mới nhất từ công ty an ninh mạng Kaspersky cho thấy, các mối đe dọa an ninh mạng tại Việt Nam đang gia tăng đáng kể trong quý 3 năm 2024. Có gần 5 triệu mối đe dọa trực tuyến đã được phát hiện, tương đương cứ 5 người dùng Việt Nam thì sẽ có một người trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.
Trong đó, từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 năm nay, tình hình an ninh mạng Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi đồng thời có sự kết hợp giữa các phương thức tấn công truyền thống và các thủ đoạn mới nổi.
Các dữ liệu thu thập được cũng cho thấy, có tới 18,7% người dùng internet tại việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến, từ đó xếp Việt Nam vào vị trí thứ 87 trong số những quốc gia dễ bị tấn công nhất.
Việt Nam đang xếp thứ 87 trong số những quốc gia dễ bị tấn công mạng nhất.
Cũng trong khoảng thời gian kể trên, các chuyên gia an ninh mạng đã phát hiện hơn 20 triệu sự cố liên quan đến phần mềm độc hại lây lan qua phương thức ngoại tuyến như ổ USB rời và các thiết bị cục bộ khác, ảnh hưởng đến 34,1% người dùng Việt Nam. Con số này khiến Việt Nam đứng vị trí thứ 27 toàn cầu trong số những quóc gia dễ bị tấn công và chịu ảnh hưởng từ mối đe dọa cục bộ.
Chưa dừng lại ở đó, các hình thức lừa đảo trực tuyến cũng ngày càng tinh vi hơn, kịch bản lừa đảo được cá nhân hóa tới từng nạn nhân khiến cho công tác phòng chống trở nên khó khăn hơn. Tháng 8 vừa qua, công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá thành công một mạng lưới tội phạm mạng, chuyên lừa đảo qua mạng với số tiền giao dịch lên tới 25.000 tỷ đồng.
Thống kê từ cổng cảnh báo an toàn thông tin (Bộ TT&TT) thì trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh của người dân về tình trạng lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại ước tính 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó, có 91% cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng tài chính tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dân nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%....
Các số liệu kể trên cho thấy tình hình phức tạp đang diễn biến trên môi trường mạng Việt Nam. Điều này đang đặt ra không ít thử thách đối với các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến, mất an toàn trên không gian mạng.
Trách nhiệm của toàn xã hội
Trước tình hình lừa đảo mạng và các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng như kể trên, thời gian qua Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cũng thường xuyên triển khai các hoạt động tăng cường kỹ năng phòng chống và ứng phó cho người dân trên môi trường số.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người dân sập bẫy mạng do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới và lợi dụng các kẽ hở pháp luật để tấn công người dùng trên không gian mạng. Không những vậy, các đối tượng lừa đảo lại hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò rất cụ thể, triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ để tấn công. Tội phạm mạng lại thường trú chân ở các nước lân cận như Campuchia, Myanmar… gây khó khăn cho hoạt động truy quét.
Lợi dụng các công nghệ cao như deepfake, phương thức tấn công của những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, hình thức ngày càng đa dạng khiến nhiều người dân dễ dàng bị sập bẫy.
Theo cơ quan chức năng, việc thiếu hiểu biết, thiếu ý thức cảnh giác trước các phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo mạng tại Việt Nam thời gian qua.
Các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến hiện được chia thánh 3 nhóm chính gồm: lừa đảo giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Tổng cộng, có 24 thủ đoạn lừa đảo phổ biến đã được Bộ Công an, Bộ TT&TT liên tục cảnh báo tới người dân, tổ chức và doanh nghiệp..
Cùng với việc nâng cao tinh thần cảnh giác, kỹ năng phòng chống và ứng phó với lừa đảo mạng, các cơ quan chức năng cũng đã đang tăng cường các biện pháp đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm mạng nhằm bảo vệ người dân trên môi trường số.
Ngày 30/7 vừa qua, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cũng đã ra mắt phần mềm phòng, chống lừa đảo nTrust, giúp người dân phát hiện ra các dấu hiệu lừa đảo thông qua số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Cơ sở dữ liệu của nTrust được tổng hợp từ nguồn dữ liệu của Bộ Công an, Bộ TT&TT, ngân hàng Nhà nước và các tổ chức an ninh mạng thành viên Hiệp hội. Phần mềm ngay sau khi ra mắt đã được người dân, các tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng ủng hộ và đang nhận được những phản hồi tích cực.
Trước đó, trong năm 2023, cùng với những quyết tâm đấu tranh phòng chống tội phạm mạng, Cục A05 đã xác minh và phát hiện nhiều vụ tin tặc, gián điệp mạng đánh cắp và mã hóa một lượng lớn dữ liệu quan trọng của các nạn nhân là người dân, tổ chức và doanh nghiệp Việt. Phối hợp với công an các địa phương, Cục A05 đã khởi tố hơn 1.500 vụ án, chủ yếu liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Một số vụ án điển hình được nêu ra, như việc triệt phá hơn 20 ổ nhóm, thu giữ nhiều thiết bị giả mạo trạm thu phát sóng di động (BTS); phối hợp với Công an Quảng Bình triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.800 tỷ đồng; hay việc Công an TP.HCM và Bắc Giang lần lượt triệt phá các ổ nhóm lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người, đặc biệt đối với giới trẻ để kết nối, sẻ chia thông tin, hình ảnh với nhau... Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đó, những sơ sót của người dùng cũng có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu xâm nhập thiết bị, đánh cắp dữ liệu, chiếm quyền điều khiển,… dẫn theo hàng loạt những nguy cơ tiềm ẩn khác. Những chiếc điện thoại thông minh vốn chỉ để nghe, gọi, truy cập mạng interenet… đã vô tình trở thành các thiết bị để theo dõi, nghe lén, lấy vị trí, dữ liệu riêng tư, thậm chí mạo danh để nhắn tin tới các điện thoại khác.
Theo ông Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) thì việc phòng chống tội phạm mạng đang là cuộc chiến mới của toàn dân. Mọi người dân, mọi tổ chức, doanh nghiệp… đều đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức, lan tỏa tính cấp thiết của vấn đề.
Ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho rằng phòng chống tội phạm lừa đảo cần sự chung tay của toàn dân.
Ông Chính cho rằng, cần sớm xây dựng các quy định pháp luật về thế trận toàn dân phòng chống tội phạm lừa đảo, từ đó hình thành nên các mô hình, quy trình, cơ chế thống nhất giữa các cơ quan doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần triển khai cơ chế phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dùng về an toàn trên không gian mạng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mạng, bảo đảm cao nhất an ninh con người, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để tăng cường bảo vệ người dân trên môi trường số, ngày 17/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, cùng chung tay với cộng đồng quốc tế trong việc xử lý các nguy cơ, thách thức đến từ không gian mạng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã từng nhận định: "Việt Nam phải khẳng định chủ quyền và sự thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng và mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường ấy”. Bởi vậy, để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước, mỗi người dân cũng phải tự có ý thức bảo vệ mình trong môi trường số giống như bảo vệ mình trong môi trường thực. Việc tự bảo vệ tài sản vô hình của mình, chẳng hạn những thông tin cá nhân cũng quan trọng như bảo vệ tài sản hữu hình khác.