Đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ giống lúa mẹ

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:30, 29/11/2024

Tháng 12 đã chạm ngõ! Nắng chói chang, cộng thêm những cơn gió bấc thổi ào ào. Dọc trục đường chính đi qua vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, hình ảnh những nương lúa mẹ bắt đầu ngả màu vàng rực, va vào nhau xào xạc, báo hiệu đã đến kỳ thu hoạch. Nắng đã lên gần đến đỉnh đầu, nhưng ông Bờ Rông Nhân, dân tộc K’ ho, thôn 1, xã La Dạ vẫn cười tươi, ra tận nương lúa để “khoe” với chúng tôi đám lúa chuẩn bị thu hoạch, dự kiến năng suất cao.

Năng suất vượt trội

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên khi len mình vào nương, là bạt ngàn gốc lúa có vùng cao tới đầu người, trĩu hạt tròn mẩy, chắc nịch, với các màu sắc khác nhau như vàng, tím, xanh nhạt… Khác với những hình ảnh thường thấy về cánh đồng lúa ở vùng đồng bằng, hay từng nương lúa mẹ ở một số vùng đồng bào trong tỉnh là cây lúa thấp, lưa thưa.

910c77c42f9895c6cc89.jpg
Ông Bờ Rông Nhân, thôn 1 xã La Dạ và niềm vui được mùa lúa mẹ.

Ông Nhân cho biết, với truyền thống của đồng bào, mấy chục năm nay, gia đình ông vẫn luôn giữ gìn phong tục trồng lúa mẹ (người dân địa phương còn gọi là lúa nương, lúa bản địa) để phục vụ dịp Tết Đầu lúa và sử dụng trong gia đình. Lúa mẹ thường được bà con xuống giống bắt đầu vào mùa mưa và kéo dài hơn 4 tháng mới cho thu hoạch. Năm nay cũng vậy, gia đình ông Nhân đang trồng 1 ha lúa trên rẫy và đang chín. Điều đáng nói, lâu nay với đặc điểm trồng lúa nương, phụ thuộc nước trời, ít chăm sóc, bón phân nên thực tế nhiều năm qua, 1 ha lúa mẹ của gia đình ông Nhân canh tác bị thoái hóa đất, bạc màu, cằn cỗi nên năng suất lúa khá thấp.

dd5648e61ebaa4e4fdab.jpg
Ông Nhân giới thiệu về mô hình.

Trong năm 2024, gia đình ông Nhân mạnh dạn tham gia mô hình của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc về bảo tồn giống lúa mẹ. Nhờ được nhà nước hỗ trợ chi phí phân bón, kỹ thuật canh tác khoa học nên năng suất đạt vượt trội.

Đứng tại nương lúa trĩu hạt, ông Nhân phấn khởi chia sẻ: “Bình quân những năm trước, thu hoạch lúa mẹ chỉ đạt hơn 50 bao/ha. Nhưng năm nay nhờ áp dụng mô hình, năng suất lúa của gia đình đạt khoảng 65 – 70 bao/ha (mỗi bao từ 80 kg trở lên). Từ kết quả đạt được, ông Nhân cho biết, gia đình sẽ tiếp tục duy trì sản xuất giống lúa mẹ hàng năm. Nếu bà con xung quanh có nhu cầu để nhân giống sản xuất, gia đình sẵn sàng bán lại, chia sẻ giống.

595b447c1220a87ef131.jpg
Nương lúa mẹ tại xã La Dạ.
9d68a662f43e4e60172f.jpg
Hạt lúa mẹ tròn mẩy, chắc nịch khi chín.

Sẽ tạo ra sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương

Cùng có mặt tham quan tại nương lúa mẹ, ông Trần Văn Em – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, La Dạ là xã vùng cao của huyện, đời sống người dân còn khó khăn. Bên cạnh, đất sản xuất phần lớn là đất đồi núi, thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Lâu nay, cây trồng chính của người dân chủ yếu là bắp, mì, đậu các loại, điều, một số loại cây ăn quả nhưng thu nhập không ổn định.

6d35a607835b3905604a.jpg
Mô hình trồng lúa mẹ nằm sát bên trục đường chính đi qua xã La Dạ.

Do đó, trong năm 2024 Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa bản địa (lúa mẹ) trên địa bàn xã La Dạ với diện tích 1 ha/1 hộ dân tham gia. Mục đích nhằm giúp đồng bào trang bị kiến thức sản xuất giống lúa bản địa theo phương pháp thâm canh tăng năng suất. Đồng thời, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, phù hợp với đặc tính của giống lúa. Trung tâm cũng hướng đến mô hình sẽ trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất giống lúa mới của người dân địa phương và từng bước tạo ra sản phẩm đặc trưng, lợi thế cho người dân địa phương, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Tại hộ thực hiện mô hình là ông Bờ Rông Nhân đã có kinh nghiệm trong sản xuất, đáp ứng đủ đối ứng để đầu tư theo định mức kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo thực hiện đúng thời vụ, đúng tiến độ của mô hình. Theo đó, mô hình được thực hiện trong thời gian 5 tháng (từ tháng 6 – 11/2024). Hộ tham gia được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 70% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đánh giá sơ bộ cho thấy, mô hình đạt hiệu quả tốt, giảm chi phí đầu tư, năng suất đạt khá. Đặc biệt qua mô hình cho thấy lợi nhuận kinh tế tương đối cao so với sản xuất bắp, đậu các loại trên những vùng đất đồi không chủ động nước tưới. Do đó, có thể nhân rộng cho các hộ dân trong vùng để tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.

Thực tế hiện nay tại xã La Dạ nói riêng và một số xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc K’ho, Rắc Lây trên địa bàn tỉnh như Phan Lâm, Phan Sơn (Bắc Bình), người dân vẫn duy trì sản xuất lúa mẹ hàng năm. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đa số các hộ gia đình đang giảm diện tích, cũng như giảm năng suất và dần mai một.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc, sắp tới đơn vị có định hướng cho bà con thu hoạch là xác định những khóm lúa nào tốt, năng suất cao thì sử dụng làm giống, còn lại bà con để sử dụng. Định hướng sắp tới địa phương sẽ cố gắng thu mua sản phẩm từ lúa mẹ cho bà con. Người dân địa phương cũng cần xác định lúa mẹ là cây trồng truyền thống, đặc trưng bà con nên giữ gìn giống lúa bản địa. Trong tương lai, khi có nhiều hộ thực hiện sản xuất với diện tích lớn, kỳ vọng sẽ tạo nên một địa điểm gắn kết du lịch nông thôn ở vùng quê, thu hút du khách ghé đến. Với những ai đã từng có dịp thưởng thức gạo lúa mẹ, chắc hẳn sẽ không quên được hương gạo nương thơm phức, bổ dưỡng không thể lẫn vị…  

Kiều Hằng