Giấc mộng

Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 05:48, 29/11/2024

- Phố thị ồn ào không phải là nơi phù hợp để chơi đàn. Nhìn đi, có ai thèm nghe đâu, à, mà anh chẳng nhìn được, cũng tốt. Đó cũng là một may mắn.

- Tôi đàn để bầu bạn nỗi cô đơn trong lòng. Tôi đàn để tiếng đàn thay tôi thấy mọi vật. Vậy có gì là sai?

Cô gái thôi không nói nữa, cầm bàn tay chàng trai đặt vào đó một tờ bạc xanh, nhỏ nhẹ:

- Cầm lấy.

- Cảm ơn cô. Nhờ cô lấy giúp giùm tăm bông.

Cô gái không lấy tăm bông. Cô không biết dùng tăm bông vào việc gì nên không lấy chúng. Cô rời đi. Đèn đã chuyển sang xanh, xe cộ lại vèo vèo phóng qua. Chàng trai vẫn say mê đàn, dẫu tiếng xe cộ át mất hết tiếng đàn. Tiếng đàn chỉ chui được vào màng nhĩ của chàng, rung lên âm điệu thiết tha. Chàng cười. Những ngón tay chàng lướt trên dây đàn cho tới khi nào mỏi nhừ mới dừng lại. Lâu lâu, một người đi đường thương tình nào đó dừng lại, mua giúp hộp tăm bông, chàng chìa túi tiền ra cho họ tự lấy tiền thối. Có người thì dúi tiền vào tay chàng, chẳng cần lấy tăm bông. Buổi trưa, bác xe ôm tốt bụng mua giúp chàng hộp cơm, chiều lại chở chàng về ngôi nhà nhỏ nơi có mẹ và các em đang chờ.

Bao giờ khi bước chân vào cửa, chàng cũng cười thật tươi, giơ túi tiền khoe mẹ:

- Mẹ xem, hôm nay con kiếm được những gì này.

Mẹ đỡ lấy túi vải, đưa cho đàn em đang háo hức chờ đếm. Mẹ vuốt tóc chàng ân cần:

- Con đi tắm đi, mẹ dọn cơm. Đói rồi phải không.

Có bữa mẹ đón chàng ở cửa, thấy chàng ướt sũng vì mưa đã bật khóc ôm chàng vào lòng. Chàng an ủi mẹ rằng không sao, chỉ là tắm mưa cho mát mà thôi. Mẹ năn nỉ chàng nghỉ vài bữa đi nhưng chàng bảo ở nhà buồn. Con muốn ra ngoài kia. Kệ, thương hại cũng được, dè bỉu cũng được, khinh thường cũng được. Chỉ cần họ mua giúp tăm bông, các em sẽ có bữa cơm đầy đủ, được ăn no hơn một chút. Mẹ len lén khóc. Chàng biết vì chàng nghe mùi nước mắt. Những người làm bạn với bóng đêm như chàng bao giờ cũng nhạy mùi hương và âm thanh hơn người bình thường. Chàng bảo mẹ đừng khóc nữa, sao mẹ khóc hoài, con lớn rồi mà, có thể tự lập được không thể cứ bám vào mẹ mãi. Mẹ gật đầu lau nước mắt. Từ đó mẹ không khóc nữa. Mẹ khóc bằng ánh mắt còn nước mắt chảy ngược vào trong.

Mẹ thương chàng bằng tình thương bao la của người mẹ. Đứa trẻ nào ở đây cũng vậy, mẹ đều thương đồng đều. Đứa nào cũng bị thiệt thòi, ít thì bị bỏ rơi, nhiều thì thêm dị tật. Những đứa trẻ lành lặn sẽ có cơ may được gia đình nào đấy hiếm muộn đến xin về nuôi. Đứa bị tật thì gắn bó với mẹ mãi. Một tay mẹ yêu thương chăm sóc cho đàn con thơ. Mấy mẹ con sống nhờ tấm lòng hảo tâm của làng xóm, của mạnh thường quân. Đứa lớn phụ giúp mẹ chăm em, giúp mẹ nấu ăn, làm việc nhà. Mẹ luôn dạy các con yêu thương và đoàn kết. Bởi vậy tất cả đều gọi nhau anh em, gọi mẹ là mẹ, chia nhau từng chén cơm, miếng bánh chứ không giành giật đánh nhau giành miếng ăn.

Chàng đã chứng kiến rất nhiều anh chị, em út của mình ra đi. Họ được nhận nuôi. Bao giờ ngày chia tay, chàng cũng trốn vào gầm giường thu lu một mình. Chàng tủi thân khi không có ai nhận nuôi mình. Cũng phải, làm sao họ lại nhận một đứa như chàng nuôi được, đứa mà mắt chỉ là hai miếng thịt hõm vô một chút, chẳng có cả con mắt mờ đục cho có. Người ta chỉ đoán được chỗ ấy là hốc mắt bởi nó nằm dưới lông mày, bởi nó hơi hõm vào một chút. Chàng cũng nhận biết được điều đó vì nhiều lần chàng đã xin các em rờ rẫm khuôn mặt của chúng. Chúng đã chỉ cho chàng biết mắt thì phải có lông mi, phải có tròng mắt. Từ khi nhận ra sự khác biệt, chàng thu mình vào gầm giường. Rồi mẹ cũng phát hiện ra suy nghĩ thầm kín của đứa con tội nghiệp. Mẹ ôm chàng vào lòng, kể cho cậu nghe những câu chuyện cổ tích. Chàng đã tin vào những câu chuyện mẹ kể, tin rằng có một ngày mình sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Nhưng càng lớn lên, niềm tin ấy càng thu hẹp lại. Nó chỉ còn là đốm nến leo lét trong đêm. Chàng không còn tin vào những câu chuyện cổ tích nữa. Chàng trở thành anh lớn nhất nhà. Mấy đứa em được đi học, chúng về tíu tít kể chuyện trên trường. Chàng thèm đọc sách. Khi chúng lấy sách đọc cho chàng nghe, chàng sờ quyển sách, có khi lén lấy sách ôm đi ngủ. Chàng mơ thấy mình đọc được sách, được chạy nhảy chơi cùng lũ bạn học, để rồi mỗi sáng thức dậy, chàng lại buồn hơn một chút.

Nỗi buồn dần dần chất đầy lòng chàng. Mẹ chẳng thể ôm chàng vào lòng để kể những câu chuyện cổ tích được nữa. Chàng đã cao hơn mẹ, đã ra dáng một thanh niên, râu bắt đầu lún phún mọc. Chàng bối rối thấy cơ thể mình thay đổi từng ngày. Lâu lâu chàng cáu giận vô cớ, có khi còn cãi lại mẹ và mắng các em, tự nhốt mình trong toilet… Chàng đã làm nhiều việc mà sau này mỗi lần nhớ lại đều tự gọi chúng là điên rồ. Cuối cùng chính mẹ là người kéo chàng ra khỏi sự điên rồ đó. Mẹ xin đâu đó một chiếc điện thoại thông minh. Giờ thì chàng có thể đọc báo, đọc sách rồi. Chỉ cần bấm vào biểu tượng cái loa là sẽ nghe được những bài báo, cuốn sách mà mình muốn. Mỗi tối, mẹ giúp chàng mở lên nghe sách. Chàng mê mẩn đắm chìm trong thế giới mới. Nhờ đó chàng giao lưu được nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Những cuốn sách văn học nổi tiếng thế giới đã lấp đầy tâm hồn trống rỗng của chàng bằng tình yêu thương. Nó truyền động lực cho chàng sống tiếp.

Một điều may mắn hơn nữa là chú xe ôm cạnh nhà biết chơi đàn, ông đã dạy cho chàng chơi ghita. Âm nhạc giúp chàng có thể giải tỏa cảm xúc của bản thân ra ngoài. Chàng say sưa trong âm nhạc. Chàng học rất nhanh, đến ông thầy còn ngạc nhiên. Ông thầy đâu có biết chàng chơi bằng tất cả tình yêu, nỗi buồn là niềm khao khát được trông thấy mọi vật. Chàng đã tả cuộc sống này bằng tưởng tượng của mình nên trong những bản nhạc chàng tự nghĩ, tự chơi ấy luôn luôn rực rỡ màu sắc, tràn ngập sự sống, sinh sôi và phát triển. Nó mang tình yêu thương bao la của mẹ, tiếng cười của đàn em thơ, mang theo núi đồi, khu rừng, những thành phố xa lạ, tình yêu thương của đôi trai gái bị chia cắt… trong các cuốn sách chàng được nghe. Nó chính là tâm hồn chàng đó. Bởi vậy, chàng chẳng thấy mệt khi chơi đàn, có thể chơi liên tục ba bốn tiếng liền.

Bấy giờ chàng đã 22 tuổi, đã trưởng thành. Một hôm, chàng xin phép mẹ đi ra ngoài kiếm tiền phụ nuôi các em. Mẹ phản đối, con chỉ cần ở nhà phụ giúp việc nhà là được rồi. Chàng cầm bàn tay mẹ, vuốt ve chúng. Mẹ ơi con đã lớn, con cũng cần giao tiếp với thế giới bên ngoài. Con làm được mẹ à. Trước quyết tâm của đứa con trai, mẹ đành để chàng đi bán tăm bông, ý tưởng này là của chú xe ôm, người thầy dạy đàn của cậu nghĩ ra. Vậy là nơi ngã tư đông đúc xe cộ có một chàng thanh niên trẻ tuổi, đội cái nón màu xanh rêu đã bạc màu, ngồi ôm ghi ta chơi đàn giữa phố, trước mặt là rổ tăm bông mời gọi người qua đường mua giúp. Nhiều người tò mò hỏi chàng sao lại ngồi chơi đàn ở ngã tư làm chi, có ai nghe được đâu. Chàng đáp chàng chơi cho đỡ buồn. Có những ngày tối muộn rồi chàng vẫn ngồi chơi đàn. Lúc này xe cộ đã vãn bớt sẽ nghe được những thanh âm rộn ràng của bài hát cậu đang chơi. Cậu đâu biết có một cô gái trẻ nhà gần đó, mỗi khi cậu về trễ, cô vẫn thường len lén mở cửa sổ nghe khúc nhạc cậu đang chơi. Đôi lần khi cầm tay cậu, đặt vào đó tờ tiền xanh xanh, cô khẽ thở dài, hỏi cậu chơi đàn nơi ngã tư làm gì xe cộ ồn ào chẳng nghe được đâu. Cậu chỉ cười hiền tôi chơi để giết nỗi buồn đó thôi.

Chẳng biết từ bao giờ, lòng thương hại lớn hơn lên một chút trong lòng cô. Có những buổi trưa, cô khẽ rót ca nước đá mang cho chàng. Có hôm thì mang cho chàng bánh hay trái cây. Bao giờ chàng cũng nắm lấy bàn tay cô cảm ơn. Cô đâu biết bàn tay mềm mại của mình, giọng nói nhỏ nhẹ của mình đã được chàng ghi nhớ và tả lại bằng những âm điệu dịu dàng trong bài hát mới. Bài hát mới ấy, đôi trai gái sau bao nhiêu chông gai cũng đến được với nhau. Tình yêu đã chiến thắng tất cả. Chàng chơi nó bằng tất cả niềm say mê và óc tưởng tượng. Chàng tưởng tượng cô gái ấy phải có khuôn mặt rất xinh, mái tóc dài và đôi mắt mộng mơ. Nàng đã đi vào những giấc mơ của chàng, phiêu lưu trong những câu chuyện tình ái.

Thứ con người thèm khát nhất bao đời nay vẫn là tình yêu thương. Chẳng phải vậy sao!

Dĩ nhiên là thế rồi, chàng cũng có một trái tim biết rung động. Chàng cũng khao khát một mái ấm nhỏ của riêng mình nơi có người vợ hiền và những đứa con thơ. Cả nhà sẽ quây quần bên nhau ăn bữa cơm tối ấm nóng giữa tiết trời se lạnh khi đông về thế này. Vợ sẽ gắp đồ ăn vào chén, giục chàng ăn. Bức tranh gia đình ấy thật sống động. Chàng đã tả nó bằng những âm điệu du dương, tươi sáng.

Nhưng nàng đã không hiểu và chẳng thể thấy được bức tranh mà chàng vẽ bằng âm thanh. Nàng chỉ thấy nó lúc vui tươi, lúc buồn da diết. Nàng không hiểu được thứ tình yêu thầm lặng của chàng. Mà hiểu được thì cũng có ích gì cơ chứ, giữa hai người là vực sâu ngăn cách. Thà chẳng hiểu còn hơn. Nàng không thích những cuốn tiểu thuyết tình cảm ướt át. Nàng là cô gái hiện đại, năng động, không thích hợp làm nhân vật chính của một tiểu thuyết diễm tình đẫm lệ.

Chàng trai của chúng ta không hề biết, chàng vẫn ngày ngày gẩy khúc nhạc tình yêu da diết. Dẫu đó chỉ là thứ tình đơn phương. Lòng chàng không hy vọng nàng đáp lời. Chàng biết mình chỉ là gã gù xấu xí trên gác chuông nhà thờ, làm sao có thể với tới được tình yêu với nàng vũ nữ xinh đẹp. Dẫu vậy, chàng vẫn đặt vào trái tim mình thứ cảm xúc rạo rực của tình yêu mà không cần hồi đáp.

Một sáng mùa đông, phố rét mướt bởi những cơn bấc lạnh. Chàng trai trẻ vẫn chơi đàn nơi ngã tư quen thuộc. Bản nhạc chàng chơi vẫn rực lên sự sống, ngợi ca tình yêu bất diệt của một cặp tình nhân vượt bao sóng gió để đến với nhau. Chàng không biết rằng nhà kế bên ngã tư hôm nay nhộn nhịp người xe đến. Người trong mộng của chàng xinh đẹp hơn nàng tiên trong bộ váy cưới trắng muốt. Đoàn rước dâu toàn xe sang đến đón nàng đi trước sự ngưỡng mộ lẫn ghen tị của bao nhiêu con mắt xung quanh.

Chàng trai vẫn chơi đàn say mê, đắm chìm trong thế giới mình tạo ra.

Đoàn rước dâu đã đi rồi. Chỉ còn lại tiếng xe cộ ồn ào át âm thanh từ cây ghi ta cũ. Bóng chàng nhỏ bé nơi ngã tư. Chẳng ai nhận ra đôi môi chàng đang cười. Có lẽ chàng đang chơi đến đoạn người chồng về nhà và vợ dọn bữa cơm nóng hổi để cả gia đình quây quần ăn tối…

Truyện ngắn của KHÁNH VY