Đổi mới hoạt động Đoàn - Hội để phù hợp với gen Z
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:18, 02/12/2024
Giữ “chất” nhưng phải đổi mới “phương thức”
Trường THPT Phan Bội Châu là một trong những trường có số lượng học sinh đông nhất của TP.Phan Thiết, chính vì thế các hoạt động Đoàn, Hội của trường cũng rất đa dạng và phong phú. Như trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, trường đã tổ chức cho các bạn học sinh làm những tấm thiệp tri ân được viết bằng tay. Trên những tấm thiệp này các bạn còn được tự do sáng tạo bằng cách kèm những biểu tượng cảm xúc trên mạng xã hội, hay có sự lồng ghép giữa tiếng việt và tiếng Anh; những ngôn ngữ đặc trưng của thế hệ gen Z. Không chỉ những tấm thiệp, nhà trường còn để học sinh tự do sáng tạo những tấm pano áp phích, báo tường. Sự sáng tạo này vừa mang phong cách truyền thống vừa mang xu hướng của mạng xã hội.
Hay như việc tổ chức một chương trình sinh hoạt mang chủ đề lịch sử, trường đã chuyển thể các nội dung bằng hình ảnh, clip, Longfrom, Infographic sinh động, hạn chế việc rập khuôn là giáo viên đọc nhiều các sự kiện lịch sử để tránh nhàm chán, chính vì điều này đã tạo sự thu hút và tham gia của nhiều học sinh. Em Nguyễn Lê Kiều My (Trường THPT Phan Bội Châu) là một gen Z thường xuyên tham gia các hoạt động mang xu hướng của mạng xã hội, mang nhiều tính truyền thông. Đồng thời mong muốn các hoạt động tiếp tục có nhiều phương thức đổi mới tổ chức để phù hợp với lứa tuổi, cũng như giúp những bạn khác chưa hiểu hết ý nghĩa của hoạt động sẽ có nhận thức khác về phong trào Đoàn.
Thầy Phan Bá Linh – Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Bội Châu đánh giá, ngày trước không có mạng xã hội nên hoạt động Đoàn - Hội vì thế cũng mang tính truyền thống, chỉ có sự thay đổi trong hơn 7 năm gần đây. Tuy nhiên, dù có thay đổi thì không phải thay đổi về “chất”, mà vẫn giữ nguyên được tính xung kích, tình nguyện, nhiệt tình và sáng tạo của ĐVTN, chỉ khác là chúng ta phải đổi mới bằng cách lồng ghép giữa truyền thống và hiện đại. Các hoạt động cần được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, phát huy khả năng tự sáng tạo của thanh niên, ghi nhận và lan tỏa những giá trị tốt đẹp do thanh niên mang lại.
Thấu hiểu gen Z
Xác định rõ những khó khăn thực tại, Đoàn - Hội càng phải nỗ lực nhiều hơn, thực sự gần gũi, thân tình với người trẻ để qua đó, tăng tường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng. Như chia sẻ của thầy Phan Bá Linh, phải gần thế hệ gen Z để hiểu tâm lý, đồng cảm và đồng hành với họ như là một sứ mệnh của tổ chức Đoàn. Thực tế, trong thời gian qua đã và đang có sự đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, như việc nâng cao năng lực số, đã quan tâm triển khai nhiều nội dung chuyển đổi số cho ĐVTN; triển khai các cuộc thi trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội. Từ đó mới đổi mới hoạt động, thu hút thế hệ này tham gia nhiều hơn; có được lối sống, suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Kim Mạnh – Phó Bí thư Thành đoàn TP.Phan Thiết nhìn nhận, các bạn gen Z hiện nay có nhiều điều kiện trong cuộc sống để tiếp cận nhiều thông tin trên mạng xã hội và có suy nghĩ không cần phải tham gia các hoạt động; từ thực tế đó, chúng ta phải hiểu và đổi mới. Với Thành đoàn TP.Phan Thiết thường xuyên tổ chức các hoạt động ngày hội sáng tạo, ngày hội chuyển đổi số, Talkshow chuyển đổi số trong học đường với các nội dung phong phú đa dạng. Thực tế cho thấy, khi tham gia các hoạt động như vậy, học sinh, ĐVTN được thỏa sức thể hiện nhiều ý tưởng sáng tạo.
Dưới góc nhìn của thế hệ gen Z, là thế hệ được tác động bởi sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và xu thế toàn cầu hóa. Vì thế để Đoàn, hội có thể tạo và giữ vững sự kết nối giữa tổ chức và giới trẻ cũng cần tăng độ nhận diện thương hiệu của Đoàn qua tương tác mạng xã hội một cách tích cực. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng lực lượng cốt cán của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi có trình độ, kỹ năng tốt, có năng lực chuyển đổi số và tính lý luận mang xu hướng đến giới trẻ.