IOC Bình Thuận: Nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo hướng hiện đại
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:47, 05/12/2024
Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh
Trong những năm qua, ứng dụng trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được một nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Qua nghiên cứu, phân tích cho thấy, với thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin hiện tại, tỉnh đang có nhiều thuận lợi và có điều kiện để có thể xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030. Xây dựng đô thị thông minh sẽ thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện trong một tổng thể thống nhất lấy phát triển chính quyền điện tử là trung tâm. Tất cả cùng hướng đến một mục đích chung: Xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và phát triển bền vững trên nền phát triển công nghệ thông tin.
Mặt khác, việc xây dựng đô thị thông minh sẽ chính là cơ hội để tỉnh tận dụng khoa học công nghệ để không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt; mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương. Trong đó, những lợi ích sẽ đạt được đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh, các dịch vụ công, thông tin chính sách của chính quyền đều được cung cấp qua môi trường mạng và được tự động hóa khi xử lý, giúp xử lý hiệu quả và nhanh chóng những yêu cầu, thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ thông qua môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trực tuyến, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và có đầy đủ cơ hội, thông tin để quyết định các phương án kinh doanh, phương án phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đồng thời giúp cho người dân có được môi trường sống thuận tiện, trong sạch, khỏe mạnh và an toàn...
Triển khai sử dụng IOC tỉnh
Hiện nay, IOC Bình Thuận đã được xây dựng hoàn thành các chức năng chủ yếu của các phân hệ trong IOC Bình Thuận và đảm bảo điều kiện triển khai sử dụng thử nghiệm gồm: Hệ thống phản ánh hiện trường; điều hành các lĩnh vực: hành chính công, y tế, giáo dục, kinh tế - xã hội; giám sát thông tin trên môi trường mạng. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã ký ban hành kế hoạch triển khai sử dụng thử nghiệm IOC Bình Thuận. Theo đó, thời gian triển khai sử dụng thử nghiệm từ tháng 11/2024 đến hết tháng 1/2025. Mục đích triển khai thử nghiệm làm cơ sở thực hiện điều chỉnh, bổ sung IOC Bình Thuận để đáp ứng yêu cầu sử dụng trong thực tế và phù hợp với hiện trạng triển khai chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, là cơ sở thực tiễn để đánh giá, đề xuất xây dựng, phát triển hoàn thiện và triển khai sử dụng chính thức IOC Bình Thuận và IOC cấp huyện.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quá trình triển khai thử nghiệm IOC Bình Thuận phải có sự tham gia đầy đủ các đối tượng sử dụng (tổ chức, cá nhân). Trong quá trình triển khai thử nghiệm phải đánh giá được yêu cầu chức năng, tính năng của hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý các cấp. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp đơn vị xây dựng IOC Bình Thuận tham mưu triển khai. Thông báo sử dụng, cung cấp tài khoản sử dụng, đồng thời hướng dẫn sử dụng IOC Bình Thuận đối với các cán bộ, công chức, viên chức đã được thiết lập tài khoản tham gia khai thác, sử dụng IOC Bình Thuận theo Công văn số 1220 của Chủ tịch UBND tỉnh. Trên cơ sở các nền tảng lõi của IOC Bình Thuận, chủ trì, phối hợp với UBND thị xã La Gi và đơn vị xây dựng IOC Bình Thuận thực hiện thiết lập, cấu hình IOC La Gi để triển khai sử dụng thử nghiệm. Thời gian hoàn thành thiết lập cấu hình trước ngày 15/12/2024. Trên cơ sở triển khai sử dụng thử nghiệm IOC Bình Thuận, IOC La Gi và điều kiện thực tế của tỉnh, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương thực hiện xây dựng Đề án Phát triển Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
Đối với các sở, ngành và địa phương thực hiện khai thác, sử dụng đảm bảo theo các quy định tại Quyết định số 448 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chế tạm thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh hiện trường qua ứng dụng Công dân số Bình Thuận và Quyết định số 1089 về việc Ban hành Quy chế tạm thời quản lý, vận hành và sử dụng IOC Bình Thuận. Thực hiện cung cấp dữ liệu cho IOC Bình Thuận đảm bảo đầy đủ, chính xác và kịp thời theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Tổ liên ngành phân tích dữ liệu, rà soát, kiểm tra các số liệu liên quan đến các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trên IOC Bình Thuận. Theo dõi, đánh giá và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh đối với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần theo dõi trong IOC Bình Thuận để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thông qua dữ liệu của IOC Bình Thuận. Tham mưu, đề xuất việc kết nối, tổng hợp các nguồn dữ liệu hiện có trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cung cấp dữ liệu cho IOC Bình Thuận.