Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 08:30, 04/12/2024

Du lịch là một ngành công nghiệp mũi nhọn, được chú trọng đầu tư tại nhiều địa phương. Việc phát triển và số hóa ngành này sẽ là một phần quan trọng trong việc triển khai các dự án kinh tế số. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ sẽ giúp ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh có giá trị kinh tế - xã hội cao theo hướng phát triển bền vững.

Phát triển hệ thống du lịch thông minh

Du lịch là ngành công nghiệp không khói đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế. Để phát triển du lịch thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là điều kiện tiên quyết quyết định thành công. Với sự đổ bộ của các thiết bị di động, mạng xã hội, đặt chỗ trên mạng và những phương thức thanh toán mới, công nghệ đã thâm nhập vào ngành du lịch sâu rộng hơn bao giờ hết. Một số công nghệ làm gia tăng trải nghiệm cho cả doanh nghiệp kinh doanh du lịch và du khách. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá hình ảnh, kết nối điểm đến, dịch vụ du lịch, chương trình khuyến mãi, kích cầu của các doanh nghiệp du lịch với các du khách trong và ngoài nước cũng đã đạt được kết quả nhất định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế du lịch trong tình hình mới và từng bước phát triển du lịch ổn định, bền vững. Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, các công ty du lịch lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú trong tỉnh đã tổ chức ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh du lịch thông qua việc xây dựng và duy trì hoạt động của các website, tổ chức mua bán tour, đặt phòng trực tuyến cho du khách trong và ngoài nước.

du-lich-thong-minh-la-gi-4-16717855671781717221536.jpg

Có thể thấy công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá các hoạt động du lịch trên các trang mạng xã hội, trên Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh của tỉnh, liên kết website du lịch Bình Thuận (Việt – Anh) với các website du lịch trong cả nước bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Đặc biệt, UBND tỉnh còn có Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây là đề án nhằm phát triển du lịch thông minh trở thành động lực, sức bật, vừa phát huy những thành quả đã tạo dựng vừa mở ra một không gian, tiềm năng mới cho du lịch địa phương. Ngoài ra, còn phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, để góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Bình Thuận, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…

Việc triển khai thực hiện đề án này cũng đặt ra yêu cầu đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch hoặc thông tin cần thiết khác và tích hợp ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch, hoàn thành nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch.

Từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch

Có thể nói, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và lan tỏa trên phạm vi rất rộng như hiện nay, ngành du lịch vừa được hưởng lợi. Đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực lớn bởi sự cạnh tranh của các quốc gia đi trước và đạt được nhiều thành tựu cả về nghiên cứu chuyên sâu cũng như hoạt động thực tiễn. Điều này đòi hỏi tất cả các thành phần trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cấp sản phẩm dịch vụ, du lịch phải hành động kịp thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.

Để đạt mức tăng trưởng, phấn đấu đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh việc đào tạo các nhóm, lĩnh vực về ứng dụng công nghệ trong du lịch. Đẩy mạnh số hóa công tác quản lý ngành du lịch, phát triển chính quyền điện tử hướng tới du lịch bền vững, trong đó lấy nhu cầu của khách du lịch, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: Internet, xây dựng kênh truyền hình riêng cho du lịch, quảng bá trên các kênh truyền hình… trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung của ngành. Nghiên cứu xây dựng và từng bước ứng dụng hệ thống thông tin quản lý điểm đến.

Song song với đó, các doanh nghiệp cần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, đảm bảo độ chính xác, tin cậy về thông tin, các sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, đầu tư xây dựng website có giao diện thân thiện với smart phone, tăng cường tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động. Ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến như mua bán phòng khách sạn, tour du lịch trên mạng… Với tốc độ tăng trưởng du lịch khá ấn tượng hiện nay và những năm tiếp theo cùng với sự phát triển nhanh, ưu việt của công nghệ, thì ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong hoạt động lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cũng như việc quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận sẽ càng có hiệu quả hơn, góp phần đáng kể để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Phan Liên