Kỳ họp thứ 29 - HĐND tỉnh khoá XI: Y tế công lập khó khăn trong tự chủ tài chính
Xã hội - Ngày đăng : 13:50, 05/12/2024
Theo bác sĩ Vũ, tình hình khó khăn trong thực hiện tự chủ tài chính của một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập là thực tế đã và đang diễn ra. Với vấn đề này, ngành Y tế đã có nhiều báo cáo giải trình. Trong đó, thường đề cập đến giá thành toàn bộ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện chưa bao gồm đầy đủ các cấu phần chi phí. Tuy nhiên, một so sánh được đặt ra là giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập cùng tuyến về cơ bản đều được thực hiện thống nhất không vượt quá khung giá tối đa do Bộ Y tế quy định. Vậy tại sao có những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở địa phương khác không khó khăn hoặc ít khó khăn như ở Bình Thuận?
Một số nguyên nhân là cơ sở vật chất, thiết bị y tế tại tỉnh hầu hết được đầu tư tập trung trong giai đoạn trước năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, việc đầu tư có chững lại, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Một số cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực chuyên môn, dẫn đến tỷ lệ thực hiện các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật chưa đạt mục tiêu.
Việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa sâu kỹ, có những khoảng thời gian chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và hậu quả của việc này. Điều này dẫn đến tình trạng vượt trần, vượt quỹ, vượt định suất, không được chấp nhận thanh toán. Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh ở một số cơ sở còn thấp. Số lượng bác sỹ không đáp ứng ở tuyến huyện, tuyến xã. Vì vậy, các kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh mới, tăng nguồn thu khó phát triển. Hiệu suất, hiệu quả làm việc của viên chức y tế ở nhiều đơn vị chưa cao dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Nhu cầu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân ngày càng cao nhưng qua so sánh với các cơ sở y tế ngoài tỉnh và cơ sở y tế tư nhân thì mức đáp ứng của cơ sở y tế công lập còn thấp. Khám, chữa bệnh vượt tuyến phát sinh nhiều, không tăng được nguồn thu để sử dụng và phát triển.
Nhận thức được những hạn chế, những mặt còn yếu kém đang tồn tại, năm 2024, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao năng lực chuyên môn. Nổi bật là việc tổ chức liên kết, ký kết với các Bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến trên chuyển giao kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh. Có thể đánh giá năm 2024 là năm tổ chức được nhiều nhất các hoạt động chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh. Đồng thời, để phát triển chuyên môn, các đơn vị tích cực cử viên chức tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa sâu, kể cả đi học tự túc.
Trong năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất chủ trương mở lớp đào tạo chuyên khoa cấp I, cấp II ngành Nội khoa tại tỉnh và chỉ đạo các đơn vị y tế công lập tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND ngày 20/6/2024 bãi bỏ một phần các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Những giải pháp tích cực này bước đầu chưa có kết quả đầy đủ trong năm 2024 nhưng sẽ phát huy, tác động trực tiếp đến chất lượng khám, chữa bệnh trong thời gian đến.