Nghị định 28: Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:18, 06/12/2024

Sau 2 năm triển khai, chương trình cho vay theo Nghị định 28 của Chính phủ đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp cho hàng trăm hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ nguồn vốn, họ đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở ổn định có thêm điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống

Toàn tỉnh có 34 DTTS, với 105.821 người, chiếm trên 8,4% dân số của tỉnh. Đồng bào các DTTS cư trú tập trung chủ yếu ở 17 xã thuần và 31 thôn xen ghép. Trong những năm qua, người dân vùng đồng bào DTTS & MN trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách. Cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chính sách tín dụng ưu đãi tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025 (Nghị định 28). Người vay theo Nghị định 28 được hưởng nhiều ưu đãi, như thời gian vay khá dài (15 năm), số tiền vay cao hơn so với các chương trình trước đây. Điều này đã giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nguồn lực để phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Kiểm tra sử dụng vốn vay.

Để chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28 sớm đi vào cuộc sống, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh để triển khai rà soát, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, UBND các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu, phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn triển khai rà soát, lập danh sách, tổ chức họp dân, niêm yết công khai đúng trình tự, quy trình, với tinh thần tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHCSXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách tín dụng ưu đãi quy định tại Nghị định số 28 để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi.

Theo Kế hoạch số 2481 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I (2021-2025), dự kiến nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 213.965 triệu đồng. Trong đó, 196.860 triệu đồng được dành cho vay dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. 15.525 triệu đồng cho vay dự án 3 tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; 1.580 triệu đồng cho vay dự án 6 để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Trên cơ sở kế hoạch vốn của các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đề xuất nhu cầu vốn của các sở, ngành có liên quan, UBND tỉnh phê duyệt trình Trung ương kế hoạch nhu cầu vốn của chương trình. Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được giao vốn là 57.290 triệu đồng phân bổ qua từng năm bao gồm năm 2022 là 26.963 triệu đồng, năm 2023 là 27.327 triệu đồng và năm 2024 3.000 triệu đồng.

Chị Đoàn Thị Chiêm Thành - dân tộc Chăm ở thôn Lạc Trị vay vốn tín dụng theo Nghị định 28 chăn nuôi bò.

Đông bào dân tộc Chăm xã Phú Lạc vay vốn chăn nuôi dê.

Động lực cho hộ nghèo vươn lên

Tại xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong), nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống, nhiều hộ gia đình đã cải thiện cuộc sống nhờ vốn vay tín dụng ưu đãi, đặc biệt nguồn vốn từ Nghị định 28. Chị Đoàn Thị Chiêm Thành - dân tộc Chăm ở thôn Lạc Trị, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ sống nhờ vào vài sào đất cằn, không đủ ăn. Khi biết đến chương trình vay vốn chuyển đổi nghề theo Nghị định 28, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản. Từng ngày chăm chỉ làm lụng, giờ đây gia đình tôi đã có thêm thu nhập ổn định, cuộc sống dần khấm khá hơn”, chị Thành chia sẻ với đôi mắt ánh lên niềm vui. Không riêng gì gia đình chị Thành, nhiều hộ khác tại Phú Lạc cũng đã thay đổi cuộc sống nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong, trong năm 2024 có 8 hộ nghèo DTTS đã được hỗ trợ vay tổng cộng 451 triệu đồng để chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ số tiền vay vốn chăn nuôi bò, chăn nuôi dê sinh sản, mỗi mảnh vườn xanh tươi giờ đây đều mang theo hy vọng về một cuộc sống no ấm.

Từ nguồn vốn vay của chương trình, những ngôi nhà tạm bợ được thay bằng mái ấm kiên cố. Những mảnh vườn cằn cỗi giờ đây phủ xanh cây trái, chăn nuôi. Và hơn hết, những nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt hộ nghèo vùng khó khăn, hộ đồng bào DTTS nhờ sự tiếp sức từ Nghị định 28. Ông Lý Khầu Nghĩa – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Tính đến tháng 11/2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở 252 hộ với số tiền 10.052 triệu đồng/(các hộ vay mức tối đa 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở); cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề 615 hộ với số tiền 47.300 triệu đồng (bình quân mỗi hộ vay 80 triệu đồng để trồng cây ăn trái, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc). Doanh số thu nợ 4.920 triệu đồng, dư nợ thực hiện đến tháng 11/2024 là 57.053 triệu đồng, đạt 99,6% so với kế hoạch vốn được giao.

Chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể đã tích cực chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách đến người dân. Hầu hết các nguồn vốn giải ngân đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ổn định việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua, thực hiện Nghị định 28 cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã nắm và thực hiện đầy đủ chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi; các tổ chức tham gia quản lý vốn chấp hành tốt quy trình, thủ tục cho vay. Trong thời gian tới, NH CSXH chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp với sở, ngành, địa phương rà soát những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Thanh Duyên