Cần giải quyết nguy cơ thất thoát và lãng phí tài sản công
Kinh tế - Ngày đăng : 14:17, 06/12/2024
Sắp xếp và xử lý tài sản công còn hạn chế và chậm tiến độ
Theo đó, nội dung chất vấn đề cập: Kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2018), UBND tỉnh đã triển khai việc rà soát, sắp xếp, quản lý và xử lý tài sản công như cơ sở nhà, đất, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, công tác quản lý và xử lý tài sản công chưa hiệu quả, nhiều tài sản không còn sử dụng lâu dài nhưng vẫn chưa được xử lý hoặc sắp xếp hợp lý. Cần xác định rõ nguyên nhân của tình trạng này, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, lãnh đạo Sở Tài Chính cho biết, đơn vị phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai và giám sát việc quản lý tài sản công. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 568 cơ sở nhà, đất của các sở, ban ngành và 3 huyện (Tuy Phong, Hàm Tân, Phú Quý). Đồng thời đang xem xét 190 cơ sở nhà, đất của ngành y tế, 30 của ngành giáo dục và 12 của Sở Lao động – Thương bình và Xã hội. Cùng với đó, rà soát và trình phê duyệt 2.097 cơ sở nhà, đất…
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, công tác sắp xếp và xử lý tài sản công, đặc biệt là cơ sở nhà đất, còn gặp nhiều hạn chế và chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân là do số lượng cơ sở nhà đất cần sắp xếp, xử lý rất lớn, trong khi các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã chưa kịp lập phương án trình duyệt đúng hạn. Đồng thời, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc rà soát hồ sơ và kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỉnh có 429 cơ sở nhà, đất không sử dụng và cần xử lý theo quy định pháp luật.
Kiểm tra, rà soát việc xử lý, sắp xếp lại các tài sản công không có nhu cầu sử dụng
Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, sở sẽ hoàn thành việc sắp xếp, xử lý tài sản công trong năm 2024. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý và sử dụng tài sản công và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Đồng thời, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh triển khai tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, và chỉ đạo lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, nhằm tạo cơ sở cho việc sắp xếp, xử lý tài sản công như bán tài sản trên đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trả lời bổ sung vấn đề, ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường đã làm rõ thêm các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Trong đó, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra hiện trạng các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời sẽ tiếp tục cập nhật các quy định mới để quản lý tốt hơn.
Nêu ý kiến tại phiên chất vấn, Đại biểu (ĐB) Huỳnh Thị Hoa đề nghị làm rõ số lượng đợt thanh tra, kiểm tra về vấn đề này và yêu cầu giải pháp cụ thể từ Sở Tài chính.
ĐB Hồ Công Dương nêu vấn đề về việc các hợp tác xã trước đây được giao đất nhưng chưa thực hiện đúng thủ tục về đất đai khi giải thể hoặc chuyển đổi mô hình. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này.
ĐB Ung Văn Tám đưa ra trường hợp cụ thể tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, liên quan đến tài sản của công ty thuốc lá đã giải thể và bỏ hoang. Ông đề nghị 2 sở phối hợp xử lý tài sản này tránh thất thoát. Giám đốc Sở Tài chính đã trả lời các câu hỏi này. Trong đó nêu rõ, theo Luật Đất đai, chủ thể giao đất phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là đối với hợp tác xã, cần xác định nguồn gốc để xử lý theo quy định.
Riêng ĐB Lê Thị Bích Liên nêu: Huyện Hàm Thuận Nam có 2 khối tài sản công là nhà làm việc chi cục thuế và kho bạc Hàm Thuận Nam. Huyện đã bố trí quỹ đất xây dựng mới, nhưng 2 khối tài sản cũ chưa chuyển lại địa phương quản lý. Hiện Chi cục thuế cũ đang xuống cấp trầm trọng, mất an toàn cho các hộ dân xung quanh. Đề nghị Sở Tài chính phối hợp Trung ương giải quyết, bố trí cho các đơn vị khác, tránh thất thoát. Giám đốc Sở Tài chính giải thích rằng vì đây là các đơn vị thuộc ngành dọc, việc chuyển về địa phương phải có sự đồng ý của Bộ Tài chính. Sở sẽ báo cáo Trung ương để thúc đẩy sớm giải quyết…
Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đề nghị các ngành, địa phương nghiên cứu thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trên cơ sở đó tăng cường kiểm tra, rà soát đối với công tác xử lý, sắp xếp lại các tài sản công là cơ sở nhà, đất, công trình và tài sản khác gắn liền với đất không có nhu cầu sử dụng. Rà soát, hoàn tất các thủ tục để xác lập tài sản công, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình trạng cho thuê, cho mượn không đúng quy định. Chỉ đạo xử lý đối với các tranh chấp, lấn chiếm, khiếu nại liên quan đến tài sản công.
Mặt khác, căn cứ quy định pháp luật, rà soát, ban hành sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp trong các lĩnh vực để làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương khi rà soát, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các tài sản công là cơ sở nhà, đất, công trình và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện địa phương, đơn vị. Song song, khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh phương án sắp xếp tài sản công là nhà, đất. Đối với các tài sản nhà, đất mà cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng; có thể nghiên cứu giao lại cho các địa phương để làm trụ sở, thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu phố. Nếu vẫn không còn nhu cầu sử dụng thì cập nhật vào các quy hoạch để bán đấu giá theo quy định.