Phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước

Xuất khẩu lao động - Ngày đăng : 12:28, 06/12/2024

BTO-Thời gian qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động ngoài nước. Trong đó đặc biệt chú trọng các thị trường lao động có thu nhập cao, an ninh chính trị ổn định và phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương…

Chú trọng tuyên truyền sâu rộng

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các công ty, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4226/KH-UBND ngày 8/11/2024 triển khai thực hiện Kế hoạch số 145-KH/TU, ngày 7/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Nhờ đó công tác tuyên truyền, vận động và thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. UBND các xã, thị trấn còn tích cực tuyên truyền về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản hướng dẫn và hệ thống các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đông đảo người dân trên địa bàn, qua đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

hinh-dua-lao-dong-di-lam-viec-tai-nhat-ban.jpeg
Đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác đưa lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đó tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh, giúp tỉnh giảm sức ép về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời tăng thu ngoại tệ cho địa phương, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nhất là những hộ ở địa bàn nông thôn...

Tiếp tục giám sát, hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài

Một điều không thể phủ nhận rằng, người lao động của tỉnh khi đi làm việc ở nước ngoài bên cạnh được nâng cao tay nghề, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới, phương pháp quản lý tiên tiến còn được rèn luyện tác phong và kỷ luật lao động... Đặc biệt nhận thức, tư duy của người lao động địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động hơn trong việc học tập nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, rèn luyện thể lực nhằm đáp ứng các điều kiện khi đi làm việc ở nước ngoài. Thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty, doanh nghiệp vào địa bàn tuyển dụng lao động. Ngoài ra, người lao động địa phương được cán bộ tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp trực tiếp tư vấn các điều kiện, ngành nghề, chế độ làm việc, hình thức phỏng vấn đơn hàng, các khoản phí phải nộp khi đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài... nhằm tránh được các rủi ro, hệ lụy do qua các khâu trung gian gây ra.

lao-dong.jpeg
Nghề cơ khí chế tạo máy thu hút nhiều lao động có tay nghề cao đi làm việc nước ngoài. Ảnh minh họa

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay đơn vị thường xuyên giám sát, nắm bắt và theo dõi tình hình người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý lao động. Thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình người lao động để tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đúng hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, hệ lụy khi ở lại làm việc bất hợp pháp. Đến nay, hầu hết các lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài đều được các chủ sử dụng nước sở tại đánh giá là chăm chỉ, làm việc năng động, sáng tạo, có thái độ tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký. Hiện tại, chưa có những vấn đề phát sinh đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng về nguồn nhân lực của tỉnh. Đa số trình độ tay nghề của người lao động vẫn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, ý thức tổ chức kỷ luật của một số ít người lao động chưa đáp ứng yêu cầu của những thị trường có thu nhập cao, ổn định. Ngoài ra, điều kiện kinh tế của nhiều lao động còn khó khăn trong khi chi phí xuất cảnh cao, thời gian học ngoại ngữ và chờ xuất cảnh dài. Do vậy ít nhiều đã ảnh hưởng đến quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, bên cạnh đó nhiều người lao động còn có tâm lý ngại học nghề, học ngoại ngữ, ngại đi làm xa gia đình...

nghe-may-mac-duoc-nhat-ban-ua-chuong.jpg
Nghề may mặc được Nhật Bản ưa chuộng. Ảnh minh họa

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do trình độ dân trí không đồng đều, một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền, vận động của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương trong việc tổ chức đào tạo, tạo nguồn lao động cho thị trường lao động ngoài nước. Ngoài ra, một số thị trường lao động ngoài nước đã siết chặt tiêu chuẩn tuyển chọn nên đã ảnh hưởng đến việc đưa lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Hồng Trinh