Nhật Bản là thị trường được nhiều người chọn đi xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động - Ngày đăng : 15:57, 07/12/2024
Tuy nhiên, chi phí khi tham gia chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản luôn là một vấn đề được quan tâm đặc biệt của người lao động. Đối với người lao động, việc chi trả các khoản phí khi đi làm việc tại Nhật không hề nhỏ, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, không ổn định hoặc các sinh viên mới ra trường chưa có việc làm.
So với các năm trước 2017, chi phí tham gia chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản đã giảm đi gần một nửa. Điều này là do hầu hết các công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản uy tín đã không còn yêu cầu khoản tiền đặt cọc chống người lao động bỏ trốn. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là đối với những người có hạn chế về tài chính.
Những lưu ý khi chọn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản: Trước khi quyết định tham gia một đơn hàng cụ thể, người lao động cần chú ý đến 4 điểm sau: Trước hết, hãy tìm hiểu kỹ về công việc cụ thể mà bạn sẽ thực hiện ở Nhật. Đảm bảo rằng công việc đó phù hợp với sở thích và tình trạng sức khỏe của bản thân. Tránh tình trạng phải trở về nước sớm vì không hài lòng với công việc hoặc không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Mức lương thực lĩnh: Thông thường, mức lương được ghi trong các đơn hàng chỉ là mức lương cơ bản, chưa tính các khoản lương làm thêm, tăng ca và không trừ các chi phí sinh hoạt hàng tháng. Do đó, hãy hỏi rõ về mức lương thực lĩnh hàng tháng để đảm bảo rằng nó đủ để chi trả các chi phí sinh hoạt tại Nhật.
Chế độ đãi ngộ: Hãy tìm hiểu kỹ về các chế độ đãi ngộ mà bạn sẽ được hưởng tại Nhật, bao gồm các khoản lương thưởng, có được miễn tiền thuê nhà, phí sinh hoạt hay không. Ngoài ra, cũng cần biết liệu bạn có được hỗ trợ tiền ăn, tiền mạng, tiền điện thoại không. Điều kiện đăng ký: Bên cạnh việc tìm hiểu về công việc và chế độ đãi ngộ, bạn cũng cần biết đến các điều kiện cần thiết để đăng ký tham gia đơn hàng. Điều này bao gồm độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, yêu cầu về ngoại hình và sức khỏe.
Tại Bình Thuận, theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2023-2024, toàn tỉnh đã đưa được 878 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc, Hồng kông, Ba Lan, Ma Cao, Saudi Arabia, Nga, Malaysia, Hungary, Bahrain, Hy Lạp, Marshall Islands, Phần Lan, Romania, Singapore.
Theo đánh giá của sở chức năng, người lao động của tỉnh khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đa số là lao động phổ thông, ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng, thợ vận hành máy móc, thiết bị xử lý khai khoáng, hộ lý, giúp việc gia đình, thuyền viên… Nhờ đó đã góp phần giúp tỉnh giảm sức ép về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời giúp tăng thu ngoại tệ cho địa phương, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ngoài ra, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài còn được nâng cao tay nghề, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới, phương pháp quản lý tiên tiến, được rèn luyện tác phong và kỷ luật lao động. Đa số người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài đều chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật nước sở tại. Đồng thời tích cực quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh, con người Bình Thuận nói riêng và đất nước nói chung đến bạn bè quốc tế.