Trước “ngưỡng cửa” của năm kép
Kinh tế - Ngày đăng : 11:14, 08/12/2024
8 điểm sáng
Những ngày cuối của năm 2024 sắp kết thúc cũng là khi kết quả của 1 năm Bình Thuận nỗ lực thực hiện theo chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” thu về với những bất ngờ, khi dự tính luôn bị tác động bởi các vướng mắc, điểm nghẽn cứ hiện diện trong năm.Trong 8 điểm sáng mà Cục Thống kê tỉnh xác định như là điểm nhấn trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng năm 2024 thì phần lớn xoay quanh 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Điều đáng chú ý là cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Trụ thứ nhất là nông nghiệp với diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực đều vượt kế hoạch và tăng nhẹ so năm 2023. Và năm nay, chính nhờ thanh long bán với giá có lời; sầu riêng, khoai môn được mùa, được giá; rồi lúa cũng đứng giá cao suốt cả năm đã góp phần giúp nâng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh trong năm 2024 lên 58,41 triệu đồng/người, tăng 7,5% so năm ngoái. Nông sản được mùa, bán có giá cao, nông dân khẳng định là may mắn ngoài dự tính.
Còn ở trụ cột công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 10,2% so với năm 2023; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,5% cũng là điều ngoài dự tính. Bởi sau dịch bệnh, sự tăng trưởng âm của công nghiệp chế biến chế tạo kéo dài tưởng như khó chạm với đến phục hồi, đã tạo ra sự khó đoán chuẩn xác, ngay cả với chuyên gia kinh tế. Như trong năm 2024 này, mãi đến quý 3, các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ…trong tỉnh mới tự tin khẳng định bắt đầu nhận được thêm nhiều đơn hàng từ các đối tác. Để từ đây, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu lên hơn 1 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD cũng cho thấy phần nào sự nhộn nhịp sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại tỉnh. Đồng thời cũng ghi nhận vốn tư nhân đưa vào đầu tư có nhiều lên, đã góp phần nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 đạt 49.240 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 10,64% so cùng kỳ, bất chấp vốn đầu tư công khó giải ngân trong năm nay, dẫn đến chỉ tiêu Chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương không đạt, vì còn thiếu 191 tỷ đồng so kế hoạch (3.435/3.616 tỷ đồng).
Ngoài ra, còn có bất ngờ khác đến từ trụ cột du lịch. Nếu so năm ngoái, năm có sự kiện Năm Du lịch quốc gia Bình Thuận – Hội tụ xanh nên đã thu hút lượng du khách cao, thì năm nay có thể là năm dư âm nhưng kế hoạch đặt ra phải đón lượng khách còn cao hơn. Bao nghi ngờ, lo lắng nhưng cuối cùng đến lúc này đã ghi nhận có 9,68 triệu lượt khách về Bình Thuận, vượt kế hoạch năm, tăng 15,91% so với năm 2023. Theo đó, doanh thu mang về 25.530 tỷ đồng, cũng vượt kế hoạch năm và tăng 14,44% so năm ngoái.
Cũng trong nỗi lo lắng tương tự, khi 2 nguồn thu về doanh nghiệp trung ương trên địa bàn, thu tiền từ đất bị hụt thu từ rất sớm trong năm, bởi liên quan đến xác định giá đất cụ thể chậm…nhưng ước vẫn thu vượt dự toán năm, với 10.015 tỷ. Và con số trên còn chưa dừng lại, khi những ngày cuối năm luôn có bất ngờ trong thu ngân sách.
Năm vừa tăng tốc vừa về đích
Phát biểu tại cuộc họp HĐND tỉnh cuối năm diễn ra trong 2 ngày 5-6/12 rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng, tỉnh hiện đang gỡ 5 nút thắt, điểm nghẽn. Nút thắt đầu tiên về cơ chế chính sách, cụ thể là ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chi tiết Luật Đất đai 2024 thuộc thẩm quyền địa phương, chính quyền tỉnh đã trình HĐND thông qua 23 văn bản với nội dung tập trung phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đang nỗ lực để ban hành Bảng giá đất điều chỉnh áp dụng ngày 1/1/2025. Điểm nghẽn thứ 2 về quy hoạch với tính chất lớn nhất, quyết định việc đi trước mở đường cho phát triển cũng đang trong giai đoạn khẩn trương phải xong, nhất là quy hoạch cấp huyện. Tiếp đến là phải gỡ điểm nghẽn khác cũng trong thực thi Luật Đất Đai. Thể hiện qua việc thực hiện đề án 920, khi 33 xã còn lại trong tỉnh chưa làm xong.Phải gỡ xác định giá đất cụ thể để thúc đẩy đầu tư và giải phóng mặt bằng cho những dự án đầu tư công và ngoài ngân sách. Một điểm nghẽn khác là chờ Trung ương chỉ đạo từ những dự án đã và đang bị cơ quan điều tra trên địa bàn tỉnh, để khi khắc phục xong thì mới tháo gỡ cho phát triển. Từ đây cũng góp phần tạo ra điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, vì thế phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là ở cấp tỉnh phải làm gương.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, 5 nút thắt, điểm nghẽn trên được tháo gỡ sớm thì phải tháo gỡ điểm nghẽn thứ 6 về nguồn nhân lực, tạo tâm thế dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì mới tạo sự đột phá cho phát triển trong năm 2025.
Thông thường, năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm của giai đoạn nào đều là năm tăng tốc, bứt phá, để năm thứ 5 về đích. Nhưng với năm 2024 này, với 14 chỉ tiêu đạt, 3 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) là 7,25% nói lên nhiều vấn đề liên quan của giai đoạn 2021-2025 và cả năm 2025 thì có thể xác định đây là năm tiếp tục tăng tốc để về đích luôn. Vì với tốc độ tăng 7,25% là cao so với mặt bằng chung toàn quốc, qua đó cho thấy sức khỏe nền kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo đang hồi phục sau dịch bệnh, đồng thời những trở ngại khiến các dự án lớn tại các khu công nghiệp chậm khởi công cũng đã gỡ cơ bản. Vì 2 năm đầu nhiệm kỳ bị ảnh hưởng dịch bệnh, GRDP tăng quá thấp, kéo GRDP của cả giai đoạn 5 năm xuống. Nhưng với tình hình phát triển kinh tế xã hội của cuối năm này cùng với những diễn biến trong năm 2025 như công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục phát triển, kỷ niệm 30 năm du lịch Bình Thuận cùng các hoạt động kéo theo… thì với mức tăng GRDP từ 8-8,5% của năm 2025 được Cục Thống kê dự đoán sẽ đạt, nếu không có bất thường gì xảy ra.
“Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025; trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với đẩy nhanh công tác điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch có liên quan (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,...); huy động tối đa nguồn lực để phát triển 03 trụ cột kinh tế của tỉnh; tập trung thực hiện hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tăng thu ngân sách…”
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025