Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy dịp tết
Pháp luật - Ngày đăng : 05:23, 10/12/2024
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, thành phố đang duy trì 382 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, 445 điểm chữa cháy công cộng. Đồng thời, vận động được 50.464 hộ dân tự trang bị bình chữa cháy. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế; năm 2024 trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ cháy. Trong đó, vụ cháy tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thuộc phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết là một minh chứng. Người dân địa phương cho biết, ban đầu hỏa hoạn được phát hiện xảy ra tại nhà hàng ALEX. Ngay khi phát hiện cháy, người dân đã gọi điện báo công an địa phương, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Nhân viên các resort gần đó đã dùng bình xịt chữa cháy xịt vào đám cháy nhưng không thể khống chế ngọn lửa. Lửa sau đó bùng phát mạnh và cháy lan sang nhà hàng Sài Gòn bên cạnh. Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PCCC& CNCH) - Công an tỉnh đã điều 3 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa, sau đó hỏa hoạn mới được khống chế, được dập tắt hoàn toàn.
Theo UBND thành phố, công tác quản lý nhà nước về PCCC của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều sơ hở, thiếu sót, chưa thường xuyên, quyết liệt. Một bộ phận người dân, hộ gia đình còn tâm lý chủ quan, xem nhẹ trong việc bảo đảm an toàn PCCC và việc tự trang bị các kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH của người dân còn hạn chế. Vì thế, để đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn, nhất là trong dịp tết sắp đến, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành phố, UBND các phường, xã thực hiện nghiêm túc các nội dung của Luật PCCC. Xây dựng, kiện toàn các lực lượng đội dân phòng PCCC, đội PCCC cơ sở; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng cơ sở để tự kiểm tra an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Công an thành phố có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố thực hiện có hiệu quả chỉ đạo về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện công tác rà soát, điều tra cơ bản và lập hồ sơ quản lý đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý theo phân cấp đảm bảo không để sót, lọt cơ sở, nhất là các cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao như: khách sạn, chung cư, nhà cao tầng, nhà trọ, nhà nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại cơ sở, hộ gia đình. Tập trung kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn như: khu vực kinh doanh, ăn uống, lưu trú, nơi tập trung đông người; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC.
UBND các phường, xã phải thực hiện nghiêm túc công tác nắm tình hình, quản lý chắc địa bàn, cơ sở, bảo đảm 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo phân cấp phải lập hồ sơ quản lý theo quy định; xử lý triệt để các trường hợp cố tình vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, xây dựng “Điểm chữa cháy công cộng” để phát huy phương châm “4 tại chỗ”, tiếp tục vận động trang bị bình chữa cháy đối với từng hộ gia đình. Thành lập đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở, các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH theo quy định.