Cuối năm chú ý phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 09/12/2024
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm
Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân tăng cao, điều này dẫn đến nguy cơ dễ bị ngộ độc thực phẩm. Do vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết là điều hết sức cần thiết. Dịp tết, hầu hết các gia đình có thói quen cất trữ khá nhiều thức ăn trong tủ lạnh trong thời gian dài, trong đó có cả thức ăn chín và thức ăn sống, cách trữ thực phẩm như vậy không an toàn cho người sử dụng và đây là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, quá trình bảo quản chính là quá trình mà vi sinh vật có sẵn trong đó, lúc đầu chỉ có rất ít trong thực phẩm, sau đó chúng phát triển mạnh và nhanh, gây ra những độc tố trong thực phẩm. Vi sinh vật có thể phát triển trong bất cứ môi trường nào nếu thực phẩm không được bảo quản tốt, và dù là ngày thường hay ngày tết thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra nếu không thận trọng. Bên cạnh đó thức ăn ngày tết thường được chế biến sẵn để dùng trong nhiều ngày như lạp xưởng, thịt kho trứng, cá kho, giò chả, bánh tét, bánh chưng và thức ăn uống chứa nhiều đường như mứt, bánh kẹo, nước ngọt có ga. Những thức ăn trên nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán các thực phẩm như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát có sức tiêu thụ tăng nhiều lần ngày bình thường nên rất dễ bị làm giả, làm nhái hoặc không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Cùng với đó là các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Thời tiết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.
Nâng cao biện pháp phòng ngừa
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, tại Chỉ thị số 38, ngày 11/10/2024, của tướng Chính phủ, Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố. Đồng thời thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên... Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế thường xuyên giám sát các mối nguy và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do hóa chất bảo vệ thực vật, methanol trong rượu. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Công an tỉnh cũng tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý. Đặc biệt, để hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm người dân nên lựa chọn các thực phẩm an toàn và có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm cần tươi, sạch. Phải sử dụng nguồn nước sạch trong sơ chế, chế biến thực phẩm, nên nấu chín, ăn ngay ở nhiệt độ phù hợp để giảm nguy cơ gây ngộ độc. Nếu ăn không hết thì vẫn có thể bảo quản các loại thực phẩm, trong khi chế biến thực phẩm sống, chín cần bảo quản tách biệt. Thức ăn thừa thì cũng cần bảo quản sống, chín tách biệt để không lây nhiễm chéo. Nếu ăn thức ăn nấu lại thì bữa sau nên đun sôi lại, nấu lại cho đảm bảo. Cố gắng làm đến đâu ăn hết đến đó, hạn chế ăn thực phẩm cũ, không nên lưu thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, đó là nguy cơ có thể xảy ra các vấn đề ngộ độc…