Thủy lợi và phòng chống thiên tai: Chỉ rắc rối từ… chủ động nước
Đời sống - Ngày đăng : 05:26, 11/12/2024
Việc đã quen từ lâu
Nằm cuối vùng Duyên hải miền Trung và đầu vùng Đông Nam bộ, Bình Thuận tránh được những cơn bão lớn từ biển Đông, chỉ bị ảnh hưởng mưa từ những trận áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhưng hàng năm, thiên tai gây ra hậu quả cũng không nhỏ. Tùy từng nơi với địa hình được bố trí khác nhau có biển hay có sông, có đồi núi hay không mà mỗi địa phương trong tỉnh chịu những kiểu thiên tai khác nhau. Nhưng chung quy, phần lớn các huyện, thị, thành phố có biển thì luôn đối diện với tình trạng biển lở hàng năm, bất chấp tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau cùng sự chung sức của doanh nghiệp, người dân để xây dựng nhiều km kè chắn sóng dữ ở vùng dân sinh lẫn vùng phát triển du lịch. Nơi miền núi thì luôn đối diện với lốc xoáy, sét… Còn hiện tượng lũ quét, ngập lụt thì hầu như xảy ra bất cứ đâu vào mùa mưa lũ, khi trên địa bàn tỉnh có nhiều con sông trải dài liên huyện, liên xã; những tuyến kênh thủy lợi cũng nối liền nhau chuyển nước từ vùng này sang vùng khác.
Với đặc thù như trên nên từ lâu, cứ vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương triển khai phương án 4 tại chỗ để giữ cho cuộc sống người dân yên ổn. Vì thế, khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn mới nâng cao (NTMNC) thì những yêu cầu đặt ra với tiêu chí về thủy lợi và phòng chống thiên tai (PCTT) theo hướng quy củ hơn, bài bản hơn như phải có báo cáo, phải thu phí… nên các xã, huyện chỉ sắp xếp lại, hoàn tất thêm là đạt.
Theo nhận định của lãnh đạo một số xã ở các huyện, nếu so với các tiêu chí khác trong xây dựng NTM, NTMNC, tiêu chí thủy lợi và PCTT dễ thực hiện hơn, ngay cả với các chỉ tiêu của tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vì sự cấp thiết, sinh tồn vốn đã quen lâu nay nhưng có một điểm vướng, gây khó trong thực hiện giữa quy định cũ và mới của tiêu chí xoay quanh về việc chủ động nước sản xuất. Theo quy định trước, hiểu chủ động nước trong sản xuất là tưới nước từ nhiều nguồn như kênh thủy lợi, nước sông suối, nước ngầm, nước nhĩ; còn theo quy định mới thì xác định chủ động từ công trình thủy lợi, trong khi thực tế người dân ở các xã chưa có công trình thủy lợi thì vẫn có nguồn nước cho sản xuất, năng suất cây trồng vẫn đạt tốt trên từng mùa vụ. Vì vậy, có những tranh cãi, lúng túng nhất định.
Áp dụng linh hoạt theo quy định
Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, thực hiện quy định mới, trong tháng 9/2024, đơn vị đã tham mưu Sở ban hành hướng dẫn thực hiện đánh giá tiêu chí số 3 về Thủy lợi và PCTT trong Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM/xã NTMNC, huyện NTM/huyện NTMNC giai đoạn 2021 - 2025. Đến thời điểm này của năm 2024, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt tiêu chí thủy lợi và PCTT, nâng tổng số xã đạt tiêu chí thủy lợi và PCTT trên toàn tỉnh là 85/93 xã. Đồng thời đó, cũng đã có 6 huyện đạt tiêu chí thủy lợi và PCTT gồm: Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh và Phú Quý.
Trong 85 xã đã đạt tiêu chí thủy lợi và PCTT thì có 5 xã rơi vào tình huống chưa có công trình thủy lợi nhưng thực tế, người dân ở các xã này vẫn sản xuất tốt, vì có nước tưới nhưng nhờ nguồn nước từ sông suối, ao hồ, nước nhĩ… Vì thế, dù quy định mới có khoanh vùng chủ động nước phải từ công trình thủy lợi nhưng cũng mở ra một câu, tạo điều kiện cho những nơi trên đạt tiêu chí này cho cả tiêu chuẩn xã NTM, NTMNC. Đó là tại tiểu mục 1a, Phần II, Mục 1, Chương 1, Quyết định số 896/QĐ-BNN-VPĐP ngày 1/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT có nêu: “Hình thức tưới và tiêu nước chủ động là việc có công trình thủy lợi thực hiện điều tiết nước tưới, tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện thời tiết bình thường (không có thiên tai và điều kiện bất thường khác) nên với những địa bàn xã chưa có công trình thủy lợi nên không đánh giá nội dung này theo hướng dẫn.
Còn với những xã có công trình thủy lợi thì các chỉ tiêu đặt ra cũng rất cao. Như tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động, với xã NTM phải đạt từ 80%, với xã NTMNC thì phải đạt 90% trở lên. Bên cạnh phải thực hiện đạt các tiểu tiêu chí khác như tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả với thang điểm chấm rõ ràng, qua các chỉ tiêu cụ thể; có 100% số công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm; thực hiện kiểm kê, kiểm soát các nguồn nước thải xả vào công trình thủy lợi…