Chú trọng phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững

Xuất khẩu lao động - Ngày đăng : 08:54, 12/12/2024

BTO_Là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý, hướng dẫn, triển khai công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngay khi có văn bản triển khai của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) về các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Sở LĐ, TB&XH triển khai kịp thời cho các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp để thông báo cho người lao động biết, đăng ký tham gia.

Tạo nguồn lao động chuyên môn cao

Theo lãnh đạo Sở LĐ, TB&XH, để tạo nguồn lao động được đào tạo chuyên môn cao, kỹ năng thực hành tốt, thành thạo ngoại ngữ, có sức khỏe, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; thời gian qua, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các văn bản quy định chính sách của Trung ương, Bộ LĐ, TB&XH. Đồng thời, đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các cấp, các ngành ngày càng được nâng lên. Từ đó, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương cơ bản đã đạt được một số kết quả nhất định.

8007b9fd29378f69d626.jpg
Tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm hiểu thị trường nước ngoài.

Từ năm 2015-2023, toàn tỉnh đã đưa gần 1.650 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, CHLB Đức… Chủ yếu là lao động sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan với các ngành nghề như: điều dưỡng, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp… Các thị trường lao động tham gia phần lớn có thu nhập cao, ổn định và có điều kiện làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến, an toàn; đảm bảo nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức học định hướng để tuyên truyền, giáo dục các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và các quy định của nước đến làm việc để người lao động biết và chấp hành đúng theo quy định.

Tuy nhiên theo nhận định của ngành chức năng, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh còn ít, chất lượng lao động còn thấp, tham gia vào thị trường có thu nhập cao chưa nhiều. Một bộ phận thanh niên còn tư tưởng an phận, ngại đi xa, chưa chịu khó, chưa thực sự mạnh dạn tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Mặt khác, thị trường lao động thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, một số nước ở Trung Đông, châu Phi. Các thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ ít được các doanh nghiệp khai thác. Bình Thuận còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách nên chỉ triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của trung ương hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hướng đến việc làm bền vững

Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ đưa khoảng 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có khoảng 1.000 lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương và nguồn huy động khác), bình quân mỗi năm có khoảng 500 lao động được hỗ trợ vay vốn để trang trải chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, Sở LĐ, TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng, chính sách, pháp luật của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 20. Đồng thời, khắc phục tình trạng thiếu thông tin trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng việc tăng cường thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài, công ty môi giới, đơn vị tiếp nhận lao động.

z6102115044317_92f0b30efe2b8e50e61b18c36dcb03e5.jpeg

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với đó, ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong nước.

Ngoài ra, phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã nhằm đưa thông tin về lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đầy đủ và chính xác đến được với người lao động, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường phối hợp tuyên truyền với các doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo, dạy nghề cho người lao động chuẩn bị đi làm việc tại nước ngoài, đưa các nội dung tuyên truyền cần thiết vào chương trình giáo dục, đào tạo...

T.HÀ