Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 04:53, 13/12/2024

Đó là yêu cầu của Thủ tướng mang tính chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tại Công điện 131 CĐ –TTg, ngày 11/12/2024 về thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Có thể thấy, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong thời này của từng bộ, ngành, địa phương là hết sức khẩn trương, song hành với việc tinh gọn bộ máy.

Mặc dù công tác cải cách hành chính, TTHC đã có sự chuyển biến khá rõ nét, trong đó chú trọng việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, TTHC nội bộ, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC…

cchc.png

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ rất “sốt ruột”, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, vì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đánh giá tác động quy định TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức. Việc tham vấn đối tượng chịu tác động chưa phát huy hiệu quả; một số quy định, TTHC còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản QPPL. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các công việc như: Kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản QPPL; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật ban hành văn bản QPPL.

Rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản QPPL theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; 100% hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện. Thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định, TTHC sau khi được ban hành; kịp thời lắng nghe, phát hiện để sửa đổi, bổ sung những quy định, TTHC không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

z5196070143383_e6ff041cc21184991de0aa1b6bd43d96.jpg
Hướng dẫn người già giao dịch hồ sơ hành chính. Ảnh tư liệu

Đối với Bình Thuận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ rõ: Công tác cải cách hành chính, TTHC được tỉnh quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, đến giữa tháng 11/2024, Bình Thuận xếp hạng 29/63 tỉnh, thành. Tuy vậy tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác này là các chỉ số cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tuy có cải thiện nhưng chưa rõ nét. Vì vậy, nhiệm vụ trong năm 2025, tỉnh đã xác định đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, TTHC; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh…

Để loại bỏ những rào cản, thủ tục lỗi thời, Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng thẩm định quy định về TTHC tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL, bảo đảm chỉ ban hành TTHC thật sự cần thiết, hợp pháp, khả thi với chi phí tuân thủ thấp nhất. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, đề xuất ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC. Đồng thời phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng: Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin về TTHC, kịp thời nắm bắt, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ quy định TTHC trong văn bản QPPL từ khâu xây dựng dự thảo…

CÔNG NAM