“Tôi không lấy túi nilon đâu”
Kinh tế - Ngày đăng : 05:11, 13/12/2024
Liên tục những năm gần đây, chống rác thải nhựa, hạn chế túi nilon dùng một lần liên tục được các cơ quan báo chí tuyên truyền, truyền thông rộng rãi đến công chúng từ chính sách của nhà nước, hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi thói quen. Mới đây, tôi đọc được thông tin khá hay về “thành phố đáng sống” Đà Nẵng. Một số siêu thị ở thành phố này đang thực hiện chương trình “Nói không với túi nilon” rất hiệu quả. Các siêu thị đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi nilon khi đi mua sắm bằng cách mang theo túi cá nhân hoặc tái sử dụng túi thân thiện môi trường để giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó đã có siêu thị “nói không với túi nilon” từ nhiều năm nay. Đặc biệt hơn, từ năm 2025, Đà Nẵng sẽ thực hiện tính phí túi nilon tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhằm thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Có thể thông tin này sẽ khiến một số người tiêu dùng khó chịu, nhưng đây là cách tuyên truyền hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân về sự hủy hoại môi trường của rác thải nhựa. Hầu hết khách hàng được khảo sát đều hiểu biết về tác hại của túi nilon ở mức độ khác nhau, nhưng sự tiện lợi và thói quen sử dụng túi nilon dùng 1 lần đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều người. Thói quen này lại được thúc đẩy bởi việc cấp túi nilon miễn phí của siêu thị. Do đó, gần đây trên địa bàn tỉnh, khắp nơi đã triển khai nhiều mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa”, “đổi rác thải nhựa lấy quà”... Các huyện như Tuy Phong, La Gi, Phú Quý… đã phát giỏ đi chợ cho nhiều chị em phụ nữ, đồng thời qua các mô hình, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế như dùng túi giấy, túi vải, túi thân thiện môi trường, túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy; sử dụng giỏ đi chợ, các hộp đựng cá, thịt thay cho túi nilon dùng 1 lần, hạn chế lạm dụng túi nilon khi không cần thiết, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường xanh. Song song đó, các siêu thị như Lotte Mart Phan Thiết, Co.opmart Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gi… đều đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân từ chối dùng túi nilon đựng đồ, thay vào đó mua túi thân thiện môi trường. Tên gọi các mô hình có thể khác nhau nhưng đều chung một mục đích là hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Mặc dù Nhà nước cũng như nhiều tổ chức, đoàn thể đã phát động phong trào loại bỏ túi nilon khỏi thói quen sinh hoạt hằng ngày và ít nhiều cũng đã tác động đến nhận thức, hành động của người dân. Tuy nhiên, tính tiện dụng của túi nilon vẫn là yếu tố khiến nhiều người lựa chọn nó, nhất là người bán hàng. Thực tế cho thấy, hệ thống các siêu thị hiện vẫn sử dụng lượng lớn túi nilon phát miễn phí cho khách song song với bán túi thân thiện môi trường. Vậy nên, câu từ chối: “Tôi không lấy túi nilon đâu” của người mua vẫn là một hành động cần thiết để thay đổi nhận thức, hành động của người bán. Từ chỗ từ chối túi nilon, người ta sẽ hướng đến từ chối các loại sản phẩm nhựa dùng một lần, các loại túi giấy để bảo vệ môi trường tốt hơn.
Có lẽ, ngoài giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” như bấy lâu đã làm, về lâu dài, các chợ, siêu thị, cửa hàng cần triển khai mô hình này mạnh mẽ hơn, dùng sản phẩm tối ưu và tiết kiệm. Đặc biệt các siêu thị, trung tâm mua sắm cần mạnh dạn từ chối cung cấp túi nilon miễn phí. Cùng với những chế tài để quản lý việc sử dụng túi nilon, việc khuyến khích trở lại các thói quen cũ giảm phát thải nilon là cần thiết. Dùng giỏ nhựa, túi thân thiện đi chợ sẽ hiệu quả bởi khi một sản phẩm đã gắn bó với cuộc sống thường ngày của mọi người, việc lan tỏa tinh thần sống xanh sẽ trở thành điều tự nhiên, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Song song đó, ngành chức năng cần nghiên cứu đánh thuế cao đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng 1 lần như túi nilon, ly nhựa, hộp giấy, ống hút...; giá thành cao thì mới hạn chế người bán, người sử dụng. Đồng thời, đây cũng là cách để người dân mạnh dạn lựa chọn nhiều hơn những sản phẩm thân thiện môi trường, tái sử dụng mà không phải so sánh về giá cả.