Trên đỉnh đèo Tà Pứa
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:33, 13/12/2024
Nhớ 30 năm trước trong chuyến đi sáng tác vào buôn làng dân tộc với các anh em nghệ sĩ tại đỉnh đèo Tà Pứa, tình cờ gặp một ông già người K’ho ngồi dưới tán cây trước nhà. Ông già ngồi im bất động vóc người nhỏ thó da nâu nhìn ra đường trông như hình nhân nhà mồ ở Tây Nguyên. Có lẽ ông được sinh ra và lớn lên ở trên đèo heo hút này, nên dáng người của ông hội tụ hình bóng của núi rừng, làn da khô cứng như quả đười ươi đã phơi vài cơn nắng không cần mặc y phục cũng đủ sức chống chọi với thời tiết. Nhìn vóc dáng già nua của ông như 1 cây Kơ nia cổ thụ cô đơn còn sót ở Nam Bình Thuận. Hình ảnh nguyên sơ ấy đã minh chứng khả năng sinh tồn của một bộ tộc giữa rừng trong thời kỳ hái lượm. Khi được hỏi ông ngồi đây chờ ai một mình bằng tiếng K’ho. Ông vui vẻ hẳn lên rồi trả lời khá dài, vốn từ K’ho của tôi không nhiều nên hiểu không hết nhưng đại để là ngồi nhìn chiếc xe sắt đen như con bọ hung đang hì hục ủi triền núi làm đường. Được gặp Kon Youn (người Kinh) nói tiếng K’ho ông đứng lên hai tay xoa xoa vui mừng như gặp được người quen lâu ngày trở lại. Ông mời chúng tôi ngồi dưới đất rồi tự giới thiệu mình là K’Prẻoh đã sống qua 80 mùa rẫy ở đầu đèo này. Khi tôi hỏi về ký ức buôn làng thời xa vắng, ông Prẻoh hua hua tay vẽ một vòng tròn trên không trung rồi trả lời trong sự hồi tưởng của người già đầy trải nghiệm sống giữa rừng già. “Ba tôi nói dân Tà Pứa này gốc gác ở Cát Tiên là người Mạ chuyển về đây theo lời chỉ dẫn của thần linh. Ngày ấy vùng này rất nhiều cọp, cọp Tà Pứa đã bắt rất nhiều con người nhưng nhờ thần linh chỉ cách đuổi đi mới được yên ổn đến giờ”.
Theo tư liệu cũ từ thời nhà Nguyễn để lại, việc khám phá và mở đường đầu tiên bắt đầu từ Phan Thiết lên Tánh Linh rồi lên cao nguyên trước thời toàn quyền Paul Doumer phát hiện cao nguyên Đà Lạt là danh sĩ Nguyễn Thông, đốc học Bình Thuận. Năm 1869 ông đốc học đã dâng tờ trình Khai Sơn Quốc Nghị lên vua Tự Đức, nhưng mãi đến năm 1881 vua mới phong cho ông chức Điền Nông Phó Sứ để khai khẩn đất hoang. Với chức vụ cuối đời này, ông tiếp tục “khai sơn” từ miền hạ lên miền thượng, trong cuộc viễn hành này đoàn người và ngựa của ông đã bị cọp vồ mang đi khá nhiều nhất là đoạn đường lên Tà Pứa đến Bà Sa. Theo tài liệu của Pháp, quốc lộ 20 ngày xưa hoàn thành ngày 31/5/1927 với 400 culi làm việc suốt ngày đêm, không ít người làm đường thời ấy bị cọp bắt tha đi, những ngày sau người ta phát hiện những bộ đầu lâu nằm trong bụi rậm ven đường. Tư liệu còn viết, ngày ấy đoạn đường đầu đèo Bảo Lộc nhất là đoạn đến Bà Sa cọp từ Tà Pứa đi lên hàng ngày, khoảng 3-4 giờ chiều ra đường ngồi nhìn dọc ngang đông như đàn khỉ rừng.
Tà Pứa của thời khai hoang và phát triển
Mấy chục năm trước những ai có dịp đi ngang xã Đức Phú ở đỉnh đèo Tà Pứa đều quen với hình ảnh một gia đình K’hor đi rẫy. Đàn chó đi đầu kế tiếp là người cha trên vai trái 1 cây chà gạt (rựa của người dân tộc), vai phải cây cung nỏ để săn thú và bảo vệ, lưng mang bó tên thường và tẩm thuốc độc. Phía sau ông là đàn con mỗi đứa đều mang gùi và cây chà gạc nhỏ nhắn theo từng độ tuổi và cuối cùng là người mẹ mang gùi chứa bắp khô mắm muối và địu thêm em bé trước ngực. Hành trình của họ có thể vài ngày hay cả tháng sống trong nương rẫy. Còn bây giờ trong làng K’hor tổ chức cưới hỏi, chú rể mặc áo vest, cô dâu mặc Ùi (áo dài dệt bằng tay từ thổ cẩm mặc trong các lễ hội) mở nhạc loa thùng điếc tai, đôi khi có tí men bia rượu các cháu tuổi cập kê cầm tay nhau khiêu vũ theo làn điệu valse hay cha cha cha. Chưa hết trẻ em trên 18 hay người cao tuổi đi xe máy mang theo điện thoại di dộng, có khi tấp quán cà phê hay quán mì phở ăn sáng. Cách đây 1 tuần, tôi hỏi một chị phụ nữ K’ho khoảng 30 tuổi đi xe máy cũ “Năm nay nhà mình thu được nhiều bắp lúa không chị ơi!” Cô ấy nhìn tôi từ đầu xuống chân có vẻ ngạc nhiên trả lời: “Ông ở đâu mới tới hả! Giờ bà con K’ho chuyển qua cạo mủ cao su, trồng sầu riêng, măng cụt rồi. Trồng lúa sao đủ ăn, hỏi lãng nhách hà!”. Tôi phá lên cười xin phép bắt tay chúc mừng, chị ta cũng cười ré lên như người quen lâu ngày gặp lại.
Thật may mắn chuyến về Tà Pứa lần này được gặp Trung tá Đinh Hùng Dũng cán bộ Huyện đội Tánh Linh đang làm công việc tuyển quân tại đây, Dũng là con trai của thủ trưởng tôi ngày trước, người lính đã sống gần 50 năm tại huyện này, nên được cháu giới thiệu trực tiếp với ông Hồ Thanh Đoàn, cử nhân kinh tế luật, Phó Chủ tịch xã Đức Phú. Sau khi được ông Phó Chủ tịch dẫn đi thăm 1 số nơi trong đó có thôn 5 Tà Pứa, nơi có 103 hộ/412 khẩu của đồng bào K’hor định cư qua nhiều thế hệ, ông Đoàn chia sẻ: “Thôn 5 Tà Pứa trước đây là thuộc xã Đoàn kết, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Năm 1994 Chính phủ sáp nhập thôn Tà Pứa thuộc xã Đức Phú, Tánh Linh, Bình Thuận. Từ đó tỉnh, huyện chủ trương chỉ đạo di dời một số người dân ở thôn khác đi lên lập nghiệp, khai hoang mở đường đèo vào năm 1995 nhưng mãi đến năm 2004 khởi công mở rộng tráng nhựa đường đèo như hiện nay.” Ông cũng nói thêm: “Trước năm 2002 người dân Tà Pứa rất khó khăn, nhưng đến ngày 27/5/2002 Tỉnh ủy Bình Thuận ra Nghị quyết 04 về xây dựng và phát triển toàn diện an sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: sửa chữa, xây mới, xóa nhà tạm bợ, cung cấp các giống cây trồng hợp khí hậu với vùng cao như ca cao, cao su, cà phê, điều, sầu riêng, cung cấp giống bò sinh sản. Xã tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, giao khoán bảo vệ rừng cho bà con 1.650 ha/55 hộ để bà con tăng thu nhập cải thiện đời sống, đến nay 100% bà con có điện thắp sáng.
Từ những năm đầu triển khai Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, có hơn 40% hộ nghèo, đến nay chỉ còn 8% hộ nghèo và cận nghèo. Hiện nay bà con đồng bào K’ho có thu nhập cơ bản tốt, đời sống vật chất văn hóa được nâng cao, phương tiện đi lại dễ dàng. Tại thôn Tà Pứa có một thác trượt và một thác đầu trâu, hàng năm vào các ngày lễ - tết nhân dân nhiều nơi về đây tham quan du lịch trải nghiệm, bà con bán thêm nông sản sạch tại địa phương, khởi đầu cho việc buôn bán phục vụ cho khách du lịch tương lai”.
***
Chia tay Trung tá Dũng và ông Đoàn một cán bộ tận tâm, có học vị tại xã đỉnh đèo Đức Phú, tôi ghé thăm gian hàng bên vệ đường của chị Hồng Hạnh ở chân đèo Tà Pứa, chuyên kinh doanh chuối rừng nguyên chất. Loại chuối hoang dã này gia đình chị mua về phơi khô rồi bán cho dân địa phương và du khách mang về ngâm rượu làm thuốc chuyên trị xương khớp xơ vữa động mạch... Khi được hỏi “Chuối rừng này chủ yếu do bà con K’ho ở thôn 5 đi chặt rồi gùi đến bán hả cô!” Chị Hạnh trả lời: “Trời! Bây giờ bà con K’ho chở chuối rừng đến vựa toàn đi xe máy không hà, lại còn điện thoại báo trước số lượng và giờ đến nữa chớ!, đâu còn ai mang gùi lầm lũi đi nữa. Ông tính coi! một ký chuối hột rừng tươi mang trong rừng ra là 40 ngàn đồng, mỗi lần bán 30 ký cũng được kha khá, dư tiền mua gạo ăn cả tháng đó ông ơi!”.