Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029: “Rèn Đức - Luyện Tài” để cống hiến cho Tổ quốc thân yêu
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 04:00, 16/12/2024
Lịch sử trưởng thành và phát triển của thanh niên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định những cống hiến to lớn mà tuổi trẻ cả nước dâng hiến cho Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao. Những cống hiến của tuổi trẻ được ghi nhận từ 2 chữ “Đức - Tài”. Thực tiễn cũng chỉ ra bài học quý báu là: Để tuổi trẻ có thể rèn đức, luyện tài tốt cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân, nhưng quan trọng và quyết định nhất vẫn là sự tự giác rèn luyện, phấn đấu của chính thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thông qua lời răn dạy này, chúng ta nhận thấy rằng mối quan hệ giữa tài năng và đạo đức là vô cùng quan trọng. Để trở thành công dân có ích, ta cần kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có sự tổng hòa giữa tài và đức. Lời của Bác luôn đơn giản nhưng cực kỳ sâu sắc, không thể có thể hiểu ngay mà phải cùng nhìn nhận thật sâu xa từng ly từng ý mới có thể thực hiện tốt lời khuyên của Người.
Bởi theo Người, việc rèn đức, luyện tài của thanh niên phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu rộng, có tính toàn diện và phải gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn. Nhớ lại trong Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (năm 1956), Người căn dặn thanh niên: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng: Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi” và: “Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”. Tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (tháng 7/1956), Bác nhắc nhở thanh niên phải “suốt đời gắn liền lý luận với công tác thực tiễn, bởi không ai có thể tự cho bản thân mình đã biết đủ, biết hết”. Vì rèn đức, luyện tài là việc quan trọng, lâu dài, nên Bác luôn căn dặn thanh niên phải có ý chí quyết tâm cao và sự kiên trì, nhẫn nại, phát huy cao nhất những thế mạnh của tuổi trẻ. Trong bài thơ “Khuyên thanh niên” viết vào tháng 3/1951, Người viết: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Trước lúc đi xa, lá thư cuối cùng Bác gửi cho thanh niên, Người dành những lời khuyên tâm huyết dành cho thế hệ trẻ: “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”. Người cũng chỉ ra ý nghĩa sâu sắc Huy hiệu của Đoàn: “Huy hiệu của thanh niên ta là “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc…”.
Ngày nay khi sự nghiệp Cách mạng của nước ta đang có những bước chuyển mạnh mẽ, chúng ta sắp bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên của sự phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta - Chúng ta sẽ xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…
Hơn lúc nào hết, mỗi thanh niên cần nhận thức đúng về vai trò quan trọng của đức và tài trong việc hoàn thiện phẩm chất và nhân cách. Trong hai yếu tố này, “đức” là gốc, là yếu tố hàng đầu. “Tài” là biểu hiện cụ thể của “đức”, không chỉ là khái niệm đạo đức chung chung, mà là hiệu quả trong việc làm. Giá trị của một con người là những đóng góp có ích cho cộng đồng, do vậy khi thanh niên nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa Đức và Tài, mỗi thanh niên sẽ có sự tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức để thật sự trở thành con người toàn diện và có ích cho đất nước. Và để cống hiến thực sự cho Tổ quốc, cho nhân dân, “Rèn Đức - Luyện Tài” là phải ở trong suy nghĩ và hành động của mỗi thanh niên. Có như vậy, thế hệ trẻ mới thực sự là thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên”, xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi. “Vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và văn minh - Thanh niên - Tiến!”
“Bản thân thanh niên và tổ chức Đoàn cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh quan trọng của mình, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng để thực hiện bằng được sứ mệnh lịch sử. Góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: Xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, dân tộc ta ngày càng vẻ vang, ngẩng cao đầu sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới…”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.