Phú Quý: Cần tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt
Du lịch - Ngày đăng : 04:45, 16/12/2024
Du lịch lồng bè
Phú Quý là một đảo nhỏ, với diện tích 16 km2, cách TP. Phan Thiết khoảng 2,5 giờ đi tàu cao tốc. Với ngư trường rộng lớn, Phú Quý có nguồn lợi hải sản phong phú, quý hiếm. Xung quanh đảo có nhiều vùng lạch, vịnh kín gió, đặc biệt là khu vực Lạch Dù (xã Tam Thanh) là nơi hội tụ các điều kiện để phát triển nuôi thủy sản trên biển. Từ năm 1992, nghề nuôi thủy sản ở Phú Quý đã dần hình thành và phát triển. Từ vài bè với đối tượng nuôi chủ lực là cá mú, cá bớp... đến nay, toàn huyện có trên 70 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè với tổng diện tích nuôi hơn 14.000m2 và đối tượng nuôi rất đa dạng như tôm hùm, cua huỳnh đế, mú cọp, cá chẽm, ốc vú nàng... Vì thế, nuôi thủy sản ở Phú Quý được đánh giá là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ai một lần du lịch Phú Quý đều phải ghé các lồng bè ở khu vực Lạch Dù để thưởng thức hải sản tươi ngon. Du khách tha hồ lựa các loài hải sản như: Cá mú, mực lá, cua huỳnh đế, tôm hùm đỏ, các loại ốc và đặc biệt nhất là cầu gai (hay còn gọi là nhum), sau đó chủ nhà bè sẽ chế biến tại chỗ với nhiều cách khác nhau. Hầu hết các chủ bè nơi đây đã kết hợp nuôi và làm dịch vụ chế biến hải sản phục vụ khách du lịch. Dịch vụ này tuy mới phát triển nhưng đang phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút nhiều khách du lịch đến tìm hiểu, trải nghiệm. Bên cạnh đó, du khách có thể hòa mình vào nhịp sống cùng người dân, tìm hiểu mô hình nuôi cá lồng bè, tham gia các hoạt động trên biển như bơi lội, ngắm san hô, bắt ốc, câu mực…
Việc kết hợp nuôi trồng hải sản với làm dịch vụ du lịch lồng bè trên biển không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho ngành thủy sản, du lịch, mà còn giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để mô hình này trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện đảo, UBND huyện Phú Quý đã yêu cầu các chủ cơ sở lồng bè phải ký cam kết, trang bị đầy đủ phương tiện cứu nạn cứu hộ, áo phao cho khách. Các phương tiện đưa đón khách ra bè phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định và người điều khiển phương tiện ca nô, thuyền máy có tốc độ cao phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Đặc biệt, các bè phải lắp hố vệ sinh tự hoại, cuối ngày phải gom rác lên bờ... tránh tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường biển, nhất là dịp lễ, tết, lượng khách đổ về đây rất đông.
Tạo sự khác biệt
Cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh những năm gần đây, đã khiến Phú Quý “xinh đẹp” ngày càng nhiều rác thải, nhất là các loại chai nhựa, túi nilon, ống hút... Rác xuất hiện ngay từ bến tàu đến các bãi biển, rác từ ngoài biển trôi dạt vào và từ người dân, du khách thải ra. Trong khi đó, trên đảo chưa có hệ thống xử lý nước thải mà chủ yếu thoát nước tự nhiên đổ ra biển khiến môi trường chịu tác động lớn. Thêm vào đó, chất thải từ nuôi biển, từ các dịch vụ trên biển có xu hướng gia tăng về lâu dài sẽ có nguy cơ làm suy giảm chất lượng môi trường biển, hệ sinh thái biển.
Còn nhớ đầu năm 2024, Phú Quý đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, du khách không mang rác thải nhựa lên đảo. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng đến loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa tại đảo Phú Quý. Nếu doanh nghiệp, người dân và du khách khi tham quan vui chơi ở đảo đồng lòng thực hiện tốt phong trào này, thì đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt, là sản phẩm du lịch khác biệt mà không cần quảng bá nhiều, du khách sẽ nhớ mãi.
Để du lịch Phú Quý phát triển bền vững, có điểm nhấn, thời gian qua ngành chức năng đã khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển gắn với du lịch trải nghiệm thân thiện với môi trường vừa tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt, đặc trưng của biển đảo. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân địa phương về phát triển du lịch bền vững, chung tay bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nét đẹp vốn có của người dân biển đảo phục vụ tận tình, chu đáo, mộc mạc, nghĩa tình. Đồng thời, tăng cường kiểm soát tốt nguồn nước thải, bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái của khu bảo tồn biển. Các lồng bè trên biển có dịch vụ đón khách du lịch phải được cấp phép, cải tạo, đóng mới thành nhà hàng nổi theo đúng tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho du khách…