Tạo “sinh lực” mới cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:27, 16/12/2024

BTO-Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam.

Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tôn trọng và phát huy văn hóa, truyền thống riêng có của mỗi dân tộc để tạo thành các tài sản, kho tư liệu quý giá của các dân tộc, trong đó có dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống ở tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận là tỉnh có 34 dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, tuy tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 8% dân số của tỉnh nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng bản sắc của địa phương, của một miền di sản, của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong những năm gần đây tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống của nhân dân nói chung và của đồng bào các DTTS nói riêng, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và đồng bào DTTS, công tác dân tộc của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND luôn quan tâm xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với công tác dân tộc trên các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện tối đa để đồng bào DTTS đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, yên tâm phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương. Nhờ đó, không chỉ có sự đổi thay của thôn làng, mà trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các DTTS cũng từng bước thay đổi với nhiều mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế, xuất hiện nhiều hộ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng… tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong vùng. Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng đã thực sự trở thành tấm gương đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở.

Quán triệt và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện có hiệu quả một số chương trình, dự án, như: Chương trình 135, Chương trình 30a - thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS; Chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí cho các cấp bậc học; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn;... Qua đó, tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của đồng bào DTTS làm mục tiêu cốt lõi, thu hẹp nhanh hơn khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Những kết quả đó là minh chứng cho bài học về “Ý Đảng và lòng dân”, tạo sinh lực mới, cơ hội mới cho các DTTS mang đậm bản sắc riêng của Bình Thuận.

Bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương, trong quá trình xây dựng và triển khai các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, công tác dân tộc luôn là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã ưu tiên bố trí mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cho các địa bàn vùng DTTS, đặc biệt là các vùng thuộc diện khó khăn. Kết quả đạt được từ các chương trình, chính sách trong công tác dân tộc mang lại hiệu quả rõ rệt, có tác động sâu sắc đến đời sống đồng bào các DTTS.

Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các DTTS; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao.

Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng an ninh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình đó cần phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc trong việc vận động bà con nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển tỉnh nhà trong thời gian đến. Đồng thời, các sở, ban, ngành và địa phương còn tạo sinh lực mới, cơ hội mới để đồng bào được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy dân chủ ở cơ sở, phát hiện, giải quyết kịp thời, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề đặt ra đối với đồng bào các DTTS. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở gắn với phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường trong học tập, lao động, phát triển sản xuất, xây dựng thôn, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực tập trung đồng bào DTTS sinh sống. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, gắn với giải quyết nhu cầu đất sản xuất, tạo thu nhập, góp phần hỗ trợ cho người DTTS vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đối với đồng bào các DTTS đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền địa phương; đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tích cực tuyên truyền, phổ biến các điển hình về phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS để nhân rộng; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu; tập trung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; chuyển hóa bản sắc của các dân tộc trở thành một nguồn lực cho sự phát triển bền vững, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

ÁI KHANH