Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Tạo cơ hội vay vốn cho lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài

Xuất khẩu lao động - Ngày đăng : 05:30, 18/12/2024

Để tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) mở rộng đối tượng vay vốn, đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn...

Mở rộng đối tượng vay vốn

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025. Trình bày tóm tắt dự án luật, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, luật được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều (tăng 2 chương và 68 điều so với Luật Việc làm năm 2013). Một trong số những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật là đã mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng. Đồng thời, bảo đảm các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách Trung ương hay ngân sách địa phương). Qua đó, tạo cơ hội cho tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

z6102114980461_af3b9a860b4c872ca556387a2fadc404.jpeg
Lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như luật hiện hành). Đồng thời, quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định bảo đảm tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung). Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự thảo luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; không mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lặp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực việc làm, lao động và an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan; không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

z6102114998551_b30054c4f024f7d4656cf3b47bd55404.jpeg
Phiên giao dịch việc làm chuyên đề: Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Hỗ trợ đối lao động về nước trước thời hạn

Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) mới đây, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh bày tỏ đồng tình với nội dung tại Điều 11, Điều 12 về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu bày tỏ đồng tình ủng hộ và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định mới vào dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, theo đại biểu qua tiếp xúc cử tri, cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu thấy rằng, thực tế có một số trường hợp người lao động vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, bất khả kháng, như: đại dịch, động đất, khủng bố, chiến tranh… người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, dẫn đến khi về nước không có việc làm, không có thu nhập để trả nợ cho khoản vay trước đó cho các tổ chức tín dụng, mà các khoản vay này thường rất lớn (từ vài trăm triệu đồng trở lên); trong khi đó, người lao động thuộc đối tượng này chủ yếu thuộc đối tượng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định ở trong nước mới tìm cách ra nước ngoài để lao động, tìm cơ hội thoát nghèo.

Do vậy, để giải quyết thực trạng trên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản quy định theo hướng: đối với trường hợp người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và về nước trước thời hạn thì cần có chính sách hỗ trợ như: giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… đối với các khoản vay trước đó để đi lao động ở nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong nước để có nguồn thu nhập trả nợ. Có như vậy, chính sách Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật mới thật sự đi vào cuộc sống.

Tham gia ý kiến tại Điều 18 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Khoản 2 Điều 18 quy định: đối tượng được hỗ trợ là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người có đất thu hồi; thân nhân của người có công với cách mạng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ: “a) Học nghề, ngoại ngữ; pháp luật của Việt Nam, hiểu biết phong tục tập quán và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động”.

Tại Khoản 2 Điều 10 quy định: “Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc các trường hợp sau đây được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức lãi suất thấp hơn: “a) Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số; b) Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đặc biệt khó khăn, huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã không phải là xã đặc biệt khó khăn”.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhận thấy rằng 2 khoản nêu trên đều có nội dung quy định về đối tượng hỗ trợ, tuy nội dung hỗ trợ không giống nhau, nhưng theo đại biểu cần biên tập lại hai khoản này theo hướng đưa nội dung khoản 2 Điều 10 xuống Điều 18 dự thảo; đồng thời, biên tập lại nội dung hai khoản này theo hướng các đối tượng thuộc khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 18 đều được Nhà nước hỗ trợ các nội dung sau: “a) Học nghề, ngoại ngữ; pháp luật của Việt Nam, hiểu biết phong tục tập quán và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động. c) Được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức lãi suất thấp hơn so với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo”.

Góp ý về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là luật hết sức quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá liên quan đến thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung dự thảo luật với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh chồng chéo và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

THU HÀ