Phan Thiết nỗ lực giảm ca mắc bệnh lao
Đời sống - Ngày đăng : 05:26, 19/12/2024
Nam mắc lao cao gấp 3,17 lần so với nữ
Theo số liệu quản lý điều trị, hiện tại TP. Phan Thiết có tổng cộng 226 bệnh nhân lao, trong đó có 6 trường hợp ngoài thành phố. Trong 220 trường hợp bệnh nhân lao ở Phan Thiết, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, có 48 bệnh nhân nữ và 172 bệnh nhân nam. Điều này cho thấy nam giới chiếm tỷ lệ mắc bệnh lao cao hơn, tỷ lệ nam mắc bệnh cao gấp 3,17 lần so với nữ.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, chủ yếu lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nếu không được điều trị kịp thời, không tuân thủ phác đồ điều trị… bệnh có thể dẫn đến tử vong và vi khuẩn lao có thể tiếp tục lây sang những người khác trong cộng đồng. Đặc biệt, lao biến chứng thành lao kháng thuốc, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị đúng cách.
Về lao kháng thuốc, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết tiếp nhận 15 trường hợp mắc lao kháng thuốc mới, nâng tổng số bệnh nhân lao kháng thuốc đang được quản lý điều trị là 22 người. Trong đó, 4 bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ ngắn hạn, 13 bệnh nhân theo phác đồ 18 tháng và 5 bệnh nhân đang điều trị theo phác đồ mới để giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn. Tất cả các bệnh nhân lao kháng thuốc này đều nhận thuốc uống hàng tháng đầy đủ, không có trường hợp bệnh nhân bỏ trị hoặc ngưng trị.
Một điểm đáng chú ý là trong số các bệnh nhân lao kháng thuốc, đã có 6 trường hợp điều trị thành công, bao gồm việc khỏi bệnh và hoàn thành phác đồ điều trị. Đây là một tín hiệu tích cực, nhưng tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân lao của Phan Thiết vẫn còn khá cao, đạt mức 5,71%. Điều này phản ánh một phần những khó khăn trong việc điều trị và quản lý bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc.
Giải pháp cải thiện quản lý, điều trị lao
Theo Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết, mặc dù bệnh lao vẫn là thách thức lớn ở Phan Thiết, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Ban Giám đốc Trung tâm Y tế và sự phối hợp với Bệnh viện Phổi tỉnh, công tác phòng chống lao đã đạt được kết quả tích cực. Các kế hoạch phòng chống lao được triển khai đầy đủ, kịp thời, và sự hợp tác giữa Trung tâm Y tế và các trạm y tế xã, phường đã giúp quản lý và điều trị bệnh lao hiệu quả, đặc biệt trong việc cung cấp thuốc và theo dõi bệnh nhân.
Song, Phan Thiết vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phòng, chống lao. Đó là địa bàn rộng, người điều trị bệnh lao đa dạng. Một số bệnh nhân có nơi ở không ổn định, gây khó khăn trong việc cấp phát thuốc, quản lý và theo dõi. Không ít người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị, không mang đơn thuốc về cho chuyên trách lao tuyến xã, uống thuốc không đều và bỏ trị giữa chừng. Mặc dù các chuyên trách và nhân viên y tế đến tận nhà vận động, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, dẫn đến bệnh tái phát và kéo dài thời gian điều trị. Ngoài ra, nhiều chuyên trách phải đảm nhận nhiều chương trình khác nhau tại trạm y tế, gây áp lực lên công tác phòng chống lao. Ý thức của người dân trong việc tham gia lấy mẫu đờm xét nghiệm còn thấp, khiến cho việc xét nghiệm gặp khó khăn và thiếu kinh phí phòng chống lao.
Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết đề ra giải pháp trong phòng, chống lao là tăng cường phối hợp giữa chuyên trách lao tuyến huyện và tuyến xã, phường; thực hiện vãng gia, động viên, tư vấn bệnh nhân lao và lao kháng thuốc không tuân thủ điều trị. Nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng phác đồ và tái khám đúng hạn. Trạm y tế tham mưu UBND xã về công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp người dân phát hiện sớm bệnh và tham gia điều trị.