Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Tánh Linh (25/12/1974 - 25/12/2024): Đã đến lúc khơi mở 2 trụ cột kinh tế
Xã hội - Ngày đăng : 05:26, 20/12/2024
Phố núi... xanh đủ nghĩa
Những ngày cuối tháng 12 này, Tánh Linh bước vào “nước rút” của một năm tiếp tục “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp”, gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn. Đứng trên đỉnh đồi của điểm du lịch hành hương Đức Mẹ Tà Pao, thu vào tầm mắt khung cảnh hùng vĩ của đồi núi chập chùng mờ sương như che chắn cho cánh đồng La Ngà được trải dài bất tận; như ôm phố xá, xóm làng nhỏ bé nằm nép mình, mới hiểu hơn sự gắn kết trên. Hơn 64.000 lượt du khách tìm về các điểm du lịch trên địa bàn trong năm 2024, tăng hơn 1.000 lượt khách so với năm ngoái, Năm Du lịch quốc gia Bình Thuận – Hội tụ xanh 2023 nói lên rằng huyện miền núi Tánh Linh có tính toán cho việc kéo dài dư âm của sự thu hút trên.
Sự tính toán ấy có nằm trong thực hiện chủ đề năm 2024 của huyện với điểm chính từ công tác chỉnh trang đô thị qua thực hiện hàng loạt hạng mục như đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm, dự án chỉnh trang đô thị; trồng và chăm sóc cây xanh; chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông, cáp điện, pa nô, áp phích… Điều đáng chú ý, trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo thực hiện Ngày thứ 7 xanh vào tuần đầu tiên của tháng để đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường; phát động các địa phương xây dựng mô hình tuyến đường hoa tại khu dân cư. Kết quả tại 13/13 xã, thị trấn đã xây dựng 36 tuyến đường hoa với chiều dài 18,59 km. Điều này lan tỏa ra toàn xã hội, ngay các hộ dân cũng tự giác làm sạch đẹp vườn nhà mình.
Song song đó, chính quyền thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán kinh doanh; xử phạt vi phạm về trật tự đô thị. Việc giải tỏa hành lang đường bộ khu vực trung tâm xã Đồng Kho là một ví dụ cũng là kết quả tiền đề để các xã, thị trấn tập trung xử lý dứt điểm đảm bảo hành lang đường bộ được thông thoáng để tạo mỹ quan đô thị.
Dù vẫn còn điểm này, chỗ kia chưa triển khai tốt nhưng sự chung sức đồng loạt này đã giúp Tánh Linh khác biệt với màu xanh được mở rộng. Màu của cây cối, hoa lá cỏ và của hơn 1 triệu cây xanh mới trồng trong năm trên các tuyến đường nội thị, đường liên xã, đường ven kênh, công viên, Nghĩa trang liệt sĩ huyện... Màu của sạch, đẹp xuất phát từ trong quyết tâm của chính quyền, trong chuyển nhận thức của người dân về xây dựng môi trường sống cũng như xây dựng nông thôn mới và cả góp sức thu hút khách du lịch. Điểm nổi bật là huyện miền núi vốn đất rộng, người thưa nhưng Tánh Linh đã có nhà máy xử lý rác, đã thu gom và xử lý rác ở phần lớn các xã, thị trấn cùng với kế hoạch sang năm 2025 sẽ triển khai thu gom toàn huyện. Thế nên, Tánh Linh có thêm màu xanh của hy vọng phát triển bền vững, khi hạ tầng thiết yếu về văn hóa - thể thao, giáo dục, y tế trên địa bàn huyện, gắn với xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đô thị văn minh đang đi vào giai đoạn tăng tốc.
Lối mở cho mắt xích hấp dẫn
Bây giờ, Tánh Linh đã nổi lên là một nơi phát triển nông nghiệp theo hướng giá trị cao, đã hình thành 1 trụ cột kinh tế, góp phần quyết định thu nhập bình quân đầu người của người dân trong huyện lên. Nông sản được chế biến đạt chuẩn, được chứng nhận OCOP đến nay 14 sản phẩm. Có 79 ha sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”. Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nổi lên là liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa mới, chất lượng với hơn 673 ha… Những sản phẩm trong nông nghiệp khơi mở các cơ sở chế biến nông sản xuất hiện, góp phần hình thành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Thế nên, sau chừng ấy năm, kết quả không có gì đáng kể, trong khi đó, xung quanh đang hội tụ những cơ hội, điều kiện phát triển công nghiệp mang tính liên kết vùng phía Nam tỉnh mà Tánh Linh là một mắt xích hấp dẫn, khi tiếp giáp với các huyện phát triển mạnh công nghiệp của Đồng Nai.
Từ trong vị thế đó, từ dấu mốc 50 năm giải phóng này, người ta thấy Tánh Linh đang ấp ủ giấc mơ lớn về phát triển công nghiệp, khi mới bổ sung thêm 5 cụm quy hoạch, nâng lên 7 cụm công nghiệp tập trung bên Nam sông La Ngà, tạo thế cân đối với Bắc sông cho phát triển nông nghiệp và du lịch. Trong đó 2 cụm đã được thành lập khoảng 10 năm nay, nhưng vì nhiều lý do, đến nay mới có “hình hài” nhưng vẫn chưa gỡ hết trở ngại.
Theo lãnh đạo huyện Tánh Linh, quỹ đất phát triển công nghiệp ở huyện nếu không liên quan đến đất rừng sản xuất thì cũng vướng đất trồng cao su, phải tính chu kỳ khai thác khiến thỏa thuận đền bù rất nhọc nên mất khá nhiều thời gian. Lâu nay lãnh đạo huyện luôn quyết tâm gỡ vướng thủ tục pháp lý, hàng tháng chủ tịch UBND huyện đều gặp gỡ, lắng nghe, tìm hướng giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, đến nay, Cụm công nghiệp Nghị Đức rộng 10 ha đã hoàn thành giai đoạn 1, đã thu hút được 1 nhà đầu tư thứ cấp. Còn Cụm công nghiệp Lạc Tánh (khu Bàu Da) rộng 19 ha thì đã có mặt bằng sẵn sàng cho thi công nhưng chủ đầu tư đang chờ hướng dẫn để được thuê đất trả tiền 1 lần...
Rút kinh nghiệm từ 2 cụm trên, 5 cụm công nghiệp mới bổ sung có diện tích rộng hơn, tập trung ở 40-50 ha/cụm. Điều đáng chú ý, các cụm này đều đã có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thực chất, đó đều là những công ty, tập đoàn được nhà nước cho thuê đất trước đó để trồng keo, trồng cao su, giờ chuyển sang làm hạ tầng cụm công nghiệp. Vì vậy, hy vọng các cụm công nghiệp bổ sung này sẽ được triển khai thuận lợi hơn, ít nhất là các thủ tục về mặt bằng cho xây dựng.
Ở diễn biến khác, góp phần quyết định sự lớn mạnh trên, Tánh Linh xác định những tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển lớn cho huyện nên kiến nghị tỉnh sớm xây dựng để phát huy tốt hơn hạ tầng thiết yếu đã hình thành. Nổi lên là tuyến Sông Ui - Trảng Táo, nối Tánh Linh với tỉnh Đồng Nai, rút ngắn đường đi cũng là thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp ở Nam sông thuận lợi. Hay tuyến Lạc Tánh - Đồng Kho đi ngang qua cánh đồng lớn Tánh Linh để kết hợp phát triển du lịch nông thôn ở Bắc sông. Đó là những lối ra cho Tánh Linh khơi mở 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
“Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện cơ cấu lại kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị. Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm nghiệp. Tiếp tục khai thác có hiệu quả lợi thế du lịch sinh thái "rừng - thác - hồ", gắn với đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ” - Trích Thông báo Kết luận (ngày 5/12/2024) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh.