Chị tôi và đôi bông tai!

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:31, 20/12/2024

1. Chứng bịnh suy tụy của chị tôi lại tái phát, cháu tôi, đứa con gái duy nhất của chị đưa chị vào bệnh viện La Gi (Bình Thuận) cấp cứu trong đêm.

5 giờ sáng tôi được tin báo, vội chạy xe máy đến bệnh viện xem bệnh tình chị ra sao. Chị nằm co ro, người co quắp theo từng cơn đau trên chiếc chỏng bố kê tạm sát lối đi bên hành lang khoa nội tổng hợp. Không phải mình chị tôi, nhiều bệnh nhân cũng phải nằm vậy, do bệnh viện quá tải.

chi-em.jpg

Ở cái tuổi gần 70, người chị ốm lại bệnh tình liên tục nên trông rất tội nghiệp. Trong khi chờ bác sĩ đếm khám, khi cơn đau tạm dịu xuống, chị kéo tay Hiền, đứa em gái út của gia đình, người gắn bó và giúp đỡ chị nhiều nhất xưa nay, nói nhỏ điều gì đó và móc trong túi áo đưa cho em cái gói nho nhỏ bằng ngón chân cái, gói ni-lon cột bằng dây thun rất kỹ. Tôi định hỏi chị vật gì mà bí mật vậy, nhưng thấy mặt mày chị xanh xao, nhăn nhó do cơn đau lên, nên lại thôi! Bác sĩ vào khám, tiêm thuốc giảm đau, chuyền dịch… Do tập trung theo dõi bệnh tình của chị nên rồi tôi cũng quên chuyện “cái gói nhỏ” cột bằng dây thun lúc nãy.

2. Chị tên Ngô Thị Thọ, con thứ 6 trong gia đình, nhưng ở nhà vẫn gọi chị “Úp”, cái tên cha, mẹ đặt cho chị trên Đầu Gò, Quảng Nam thời tản cư Pháp thuộc. Tên “Thọ”, là do hồi mới giải phóng đi kê khai hộ khẩu, không biết anh cán bộ nghe lộn sao lại ghi vào giấy tờ chữ “Úp” thành chữ “Thọ”. Phát hiện ra, xin chỉnh sửa, các ảnh nói, hồ sơ giấy tờ lưu trữ bây giờ “Thọ” hết rồi, sửa lại rất phiền phức, thôi để vậy, mà tên “Thọ” cũng hay hơn tên “Úp”. Vậy là từ đó chị thành Ngô Thị Thọ.

8 tuổi chị theo gia đình di dân, chạy giặc hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng đậu lại ở đất Phước Bình, nay là khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi.

20 tuổi chị thương một người, rồi có con, đứa con gái rất kháu khỉnh. Nhưng sau phát hiện anh ta đã có gia đình. Họ chia tay từ ấy! Chị ở vậy nuôi con từ ấy!

Chị và con chị sống trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình. Ngày ngày cặm cụi đi chắt mót từng miếng nước cơm quanh xóm chợ Duy Từ về nuôi con, nuôi cháu. Số phận như đã an bài, cuộc đời chị suốt đời gặp toàn chuyện khổ. Con chị Ngô Thị Nga (lấy theo họ mẹ) sau này cũng gãy gánh tình duyên. Vợ chồng chúng nó cưới nhau, có được 2 con trai, ngoan hiền, học giỏi, vậy mà ly dị, vậy mà chia tay. Chồng đi lấy vợ. Vợ ôm con về nhà mẹ. Hai mẹ con góa bụa, nuôi hai đứa cháu thiếu tình cha.

Bây giờ thì chị không còn quảy gánh, không còn nuôi heo được, đôi chân vốn đã tật nguyền của chị nay lại cộng thêm hai lần thương tích do bị té ngã. Đi lại khó khăn, chị chỉ biết quanh quẩn ở nhà nuôi mấy con gà, trồng vài chậu rau, phụ con gái nấu cơm. Con gái chị làm công nhân môi trường của thị xã, rồi nghỉ việc ở nhà buôn bán lặt vặt. Niềm vui lớn nhất của chị là hai đứa cháu ngoại chị chăm hồi còn đỏ hỏn, dù thiếu tình cha, nhưng nay đều đã trưởng thành.

Vui cho cháu, cho con là vậy, nhưng khó khăn thì vẫn muôn trùng. Cuộc đời chị đến khi về già vẫn trắng tay không có gì. Tuổi thanh xuân, vốn liếng, cả da, cả tóc cũng đều dành hết cho con cho cháu, nay lại thêm chứng bệnh suy tụy!

3. Nhìn chị nằm co ro, tóc tai rũ rượi, mấy anh em tôi lòng như thắt lại. Ngày xưa thương mẹ bao nhiêu, bây giờ thương chị bấy nhiêu.

Nghe tin bác sĩ báo, bệnh tụy chị tái phát rất nguy hiểm, may mà chuyển đến bệnh viện kịp thời. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nhờ chuyền dịch, thuốc men đầy đủ nên bệnh tình chị thuyên giảm rõ rệt, cơn đau cũng đã cắt, chỉ còn râm ran chút ít. Sắc mặt chị đã hồng hào tươi tỉnh hơn.

Lúc này tôi mới bình tâm nhớ lại “cái gói nhỏ” cột dây thun chị đưa con Hiền khi mới vào nhập viện. Tôi kề tai nói nhỏ và lôi Hiền ra ghế đá sân vườn bệnh viện. Hiền lấy trong ví “cái gói nhỏ” của chị, bắt đầu tháo từng lớp, chị gói kỹ đến nổi tháo lớp nilon thứ 3 vẫn chưa thấy cái gì. Hiền cười thành tiếng: “Đúng là chị Sáu mình thiệt tình!”. Cuối cùng thì Hiền cũng “lôi” ra được đôi bông tai nhỏ xíu có đính hạt màu xanh, và chiếc nhẫn vàng 5 phân. Hiền nói với tôi: “Anh biết chị Sáu nói với em cái gì không? Chị nói, tiền của anh chị em cho, chỉ để dành sắm đó! Đôi bông sau này đeo dự đám cưới cháu, 5 phân vàng cho cháu làm quà”. Nghe Hiền thuật lại chuyện chị tôi sắm vàng, tôi cười, cười mà nghe trên mắt mình ướt ướt, cay cay! Vậy là cuối cùng chị tôi cũng có chút tài sản riêng, có điều tài sản riêng ấy lại cũng dành cho con cháu.

Ôi, thương sao đời chị!

NGÔ VĂN TUẤN