Ký ức rừng xanh

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:42, 20/12/2024

(Nhân đọc tập Thơ từ đáy ba lô của Lương Minh Vũ(*))

“Đáy ba lô” thường tượng trưng nơi chứa đựng những kỷ vật cá nhân với chiều sâu trải nghiệm trong tâm hồn của đời người. Thơ từ đáy ba lô có thể hiểu là nơi khắc ghi những cảm xúc, suy nghĩ chân thành của một hồn thơ. Đọc tập thơ của Lương Minh Vũ ta bắt gặp những vọng nhớ yêu rừng, yêu người của chàng trai một thời làm lính.

rung-xanh.jpg
Anh rminh họa. Nguồn internet

Ở phần đề từ tập thơ anh viết: “Rừng đã đóng kín cửa rồi./ Ta trở về mở cánh cửa rừng xưa./ Ta gặp lại Chú-Nhỏ của một thời quá vãng./ Chào Chú - Nhỏ thân yêu tội nghiệp của ta xưa”. Cảm xúc xuyên suốt tập thơ cũng đi theo cảm hứng từ “cánh cửa rừng xưa” ấy. “Rừng đã đóng kín cửa rồi” gợi cảm giác khoảng không gian và thời gian đã khép lại, những kỷ niệm đã được chôn giấu. Hình ảnh rừng ở đây đâu chỉ địa điểm vật lý mà còn là biểu tượng cho bóng hình quá khứ, ở đó “rừng” và “em” luôn khắc khoải trong khung trời tâm tưởng, một quá vãng có cả vui buồn nhưng đẹp, sợ nó mất đi, nên tâm trạng có phần bồn chồn lo lắng: “Rồi sẽ mịt mờ những lối xưa/ Rồi đưa tan tác phiến trăng thừa/ Rồi rừng xưa khép chân lạc dấu./ Em có ngồi đếm những cơn mưa?” (Sơn nữ hoài, tr.25). Những kỷ niệm xưa tưởng được giấu kín, nhưng nó vẫn luôn trở mình sống dậy, thúc giục, nên phải “Trở về mở cánh cửa rừng xưa”, tìm về với “Chú – Nhỏ của một thời quá vãng”, khơi dậy những kỷ ức đã ngủ quên. Khi viết những dòng thơ này chủ thể trữ tình sắp bước vào tuổi “cổ lai hy”, giờ nhìn lại một thời mười tám, đôi mươi của Chú – Nhỏ là nhìn lại chính mình đã đi qua những tháng ngày thơ ngây chưa từng trải nghiệm mà cảm thương “tội nghiệp của ta xưa”. Nhưng chính những tháng ngày non trẻ với chiếc ba lô trên vai lên đường ấy anh nhận ra: “Chúng ta là những cây rừng vươn những chiếc rễ quắt queo đơn độc mò mẫm tìm kiếm giữa tối tăm của lòng đất tâm hồn. Hút những dưỡng chất tối tăm nuôi dưỡng cho niềm vui nhỏ nhoi tội nghiệp. Nuôi dưỡng cho mình đứng thẳng để vươn lên với trời cao” .(Mở - đề từ tr.7).

Những vần Thơ trong đáy ba lô của Lương Minh Vũ thuộc về tháng ngày làm lính nhưng tịnh nhiên không có tiếng bom rền, đạn nổ, chỉ có tiếng lòng réo rắt vút lên nỗi nhớ đồng đội, nỗi nhớ núi rừng quê hương. “Dù chúng ta đã đi qua những tháng ngày khốn khó/ Phơi tuổi đời trên đá tảng khô hanh./ Vẫn còn đây sắc áo màu lục-diệp,/ Mang về rừng/ Góp lá thêm xanh” (Cùng đồng đội, tr.10). Cảm hứng về rừng thời thanh xuân gắn bó một cách ám ảnh, đến khi đã xa cách rồi vẫn còn neo vào tâm thức khó phai: “Vẫy tay lãng lý xô ghềnh/ Người xuống biển cả, tôi lên non ngàn” […] “Người đi sóng vỗ lưng triền/ Tôi về quá đổi xà - niên trên rừng” (Cũng là tống biệt, tr.12). Phải chăng đó là nhịp đập con tim, là tấm lòng và ý chí của người đi làm nghĩa vụ ở thời đại mới trên đường bảo vệ và xây dựng quê hương. Khi đã nhìn ra “Sách thư sinh lem lấm những trang đời” (Thời xa phố, tr. 77) thì nhớ lại tháng năm còn mộng mơ của một trang đời giũa cái khoảnh trống một thời xa chưa trọn vẹn với cảm xúc ngậm ngùi: “Có bóng chim non hót tội tình/ giữa rừng giông gió điệu cầu kinh/ Giữa đời nghiệt ngã, tay ta vỡ/ ôm không tròn chút nghĩa ba sinh” (Sơn nữ hoài, tr.26).

Cảm hứng về “rừng” và “em” của ngày xưa khi thức tỉnh lúc trong mơ xuyên suốt chiều dài cảm xúc: “Sao không về em?/ Non núi vẫn xanh/ Rừng đêm tôi thắp mộng du hành/ Nửa khuya tình tự cùng cây lá/ Nghe nhựa lá trầm bi ướt quanh”. (Chờ giữa chiêm bao, tr.28). Không biết “em” kia là ai trong cái thời xa vắng ấy mà có lần anh đã từng nhắc trong Sơn nữ hoài: “Người một ngày bỗng nỡ quay lưng/ Xót xa lòng lá cũng nghe chừng/ Mai về phố nhỏ buồn sơ cổ/ Như gã xà - niên bỏ núi rừng” (tr.25). Nhưng rừng và lá thì cụ thể, có khi người hóa thân như cây lá – cây lá hóa thân theo người, từ năm 1979, lúc còn rất trẻ, anh đã từng cảm xúc với cách biểu đạt ẩn dụ nhân hóa, vừa thiết tha trĩu nặng lại vừa khoan thai nhẹ nhàng, tưởng chừng chẳng có gì vướng bận: “Mai ta nằm xuống bên đồi/ Rừng đưa mây xám về trời lãng quên” (…) Mai ta nằm xuống cũng cười/ Lá ơi! Đừng khóc hai mươi lìa rừng” (Đừng khóc lá ơi! tr.32, 33).

Đến khi trở về với phố lại nhớ đến rừng mà “Thương những mầm xanh”. Rồi đi qua “Những cổng trường xênh xang áo trắng./ Cho lòng nhớ thương em./ Đơn côi giữa rừng bóng chim bất hạnh”. Đó là lúc “Bỏ lại sau lưng nửa mảnh trăng ngàn”. Nhưng hình ảnh của em dai dẳng tạc vào tâm trí, quá khứ với hiện tại luôn đồng hiện, chủ thể trữ tình như đang mục thị: “Vẫn còn thấy dáng em ngồi bên suối,/ Thả tháng ngày theo chiếc lá buồn trôi”. (Bỏ rừng – Về phố, tr. 39, 40, 41).

Đọc Thơ dưới đáy ba lô của Lương Minh Vũ ta thấy phảng phất nét buồn lãng đãng khói sương, nhưng bao trùm lên tất cả là cảm xúc đằm thắm về quê hương – con người và cảnh vật, bờ khe, con suối, núi rừng,… những sáng những chiều hoang sơ mà thơ mộng, với những hoài niệm vui buồn riêng chung. Ở đó lẽ sống có cả hạnh phúc ngọt ngào pha lẫn cay đắng để thử thách vượt qua: “Lên non hái trái mơ hồng/ Hái luôn trái đắng xót lòng trao nhau” (Lên non hái trái, tr. 44). Cảm hứng hiện thực và lãng mạn đang cài vào nhau gợi lên sự đồng cảm sâu sắc với những ai đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc tình yêu.

(*): Thơ từ đáy ba lô, Lương Minh Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2011.

Võ Nguyên