Bảo vệ người tiêu dùng khỏi vấn nạn hàng giả
Pháp luật - Ngày đăng : 16:33, 20/12/2024
Thực hiện chỉ đạo Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 5/12/2024, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh tại đường Thủ Khoa Huân, thành phố Phan Thiết. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại Hộ kinh doanh đang kinh doanh lô hàng 453 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ tang vật và tổng giá trị hàng hóa trên 50 triệu đồng. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ mà lực lượng quản lý thị trường tỉnh phát hiện, xử lý trong những tháng cuối năm 2024. Đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khoảng trên 200 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để đẩy lùi vấn nạn hàng giả và hàng nhái hiện nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Cục Quản lý thị trường của tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán như: Thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại. Đặc biệt là kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như: Sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Đồng thời tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết. Đồng thời tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử, tập trung vào các mặt hàng quan trọng như: Đường cát, xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp và hóa chất, nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, các sản phẩm thuốc lá mới, xì gà, đường, vật liệu xây dựng, thời trang. Tập trung quản lý địa bàn, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm; các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về buôn bán hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm lực lượng Quản lý thị trường sẽ kết hợp tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, có động thái phù hợp. Có làm được như vậy thì xã hội mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.