Ngành Công Thương: Nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm

Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 23/12/2024

Dù gặp không ít khó khăn và thách thức, song ngành Công Thương Bình Thuận cũng đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tiếp tục vươn lên…

Theo đánh giá của ngành Công Thương Bình Thuận thì sản xuất công nghiệp tại địa phương trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng, trong khi hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Trước tình hình kinh tế còn khó khăn, do vậy ngành đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường bằng đa dạng hình thức xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh...

img_5693.jpg
Tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại TP. Hồ Chí Minh.

Khép lại năm 2024, Sở Công Thương ghi nhận nhiều kết quả nổi bật thể hiện qua thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của ngành như Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,2% so năm ngoái. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,5%, còn ngành sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,7%... Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm đạt 110.500 tỷ đồng và tăng 15,72% so năm 2023, tính riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa chạm mốc 71.000 tỷ đồng, tăng 15,46% so năm trước. Tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng đem về cho địa phương ước khoảng 791,3 triệu USD, tăng 11,26% so năm ngoái và hoàn thành kế hoạch năm 2024.

z6125700223525_20b1facc0a73d76131b7e851594340ce.jpg
Quảng bá sản phẩm đặc trưng, lợi thế của Bình Thuận tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) - Bách Sắc (Trung Quốc) năm 2024.

Đối với lĩnh vực năng lượng, ngành đã tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm 2024 và các văn bản về công tác liên quan phát triển dự án, công trình nguồn và lưới điện. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ ngành điện và chủ đầu tư triển khai thực hiện công trình lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng công suất các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn Bình Thuận… Theo đó năm nay, ngành điện đã triển khai thực hiện hàng chục công trình lưới điện trung hạ thế (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đường dây, tăng dung lượng trạm biến áp) với tổng mức đầu tư xấp xỉ 470 tỷ đồng. Được biết hiện toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất hơn 6.520 MW, nhờ đó cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Trong năm nay, công tác xúc tiến thương mại cũng được Sở Công Thương Bình Thuận tập trung đẩy mạnh thông qua tổ chức nhiều hoạt động trong lẫn ngoài nước. Như phối hợp tổ chức Đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Lào, thực hiện “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh Bình Thuận - Đắk Lắk, tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2024. Mới đây trong tháng 12/2024, ngành Công Thương Bình Thuận tiếp tục góp mặt tại Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2024) và Hội chợ Thương mại Quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) - Bách Sắc (Trung Quốc) năm 2024. Đây được xem là cơ hội tốt để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thanh long tươi, thanh long chế biến và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Bình Thuận. Đồng thời còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương có dịp gặp gỡ, trao đổi với đối tác hướng tới liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc…

Bước sang năm 2025, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu như về Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so thực hiện năm 2024. Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa phấn đấu đạt 79.900 tỷ đồng, tăng 12,54% so năm 2024 và tham gia xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch đạt 870,4 triệu USD, tăng 10% so năm 2024… Để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, tới đây toàn ngành tiếp tục tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đem lại hiệu quả. Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như thu hút dự án thứ cấp lấp đầy các khu - cụm công nghiệp. Nhất là kêu gọi đầu tư dự án công nghiệp phụ trợ ngành năng lượng, may mặc, da giày và dự án sản xuất các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy... Mặt khác cũng khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là với chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Trong năm mới, ngành cũng sẽ phối hợp thực hiện công tác liên quan đến việc phát triển dự án, công trình nguồn và lưới điện trên địa bàn Bình Thuận theo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua tổ chức kết nối giao thương và cung cấp kịp thời thông tin nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận. Bên cạnh đó còn triển khai thực hiện hoàn thành các đề án khuyến công năm 2025 cũng như chương trình phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trên lĩnh vực ngành Công Thương…

QUỐC TÍN