Không để xảy ra tình trạng công trình, dự án phải chờ mặt bằng
Xã hội - Ngày đăng : 05:06, 24/12/2024
Giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng giải ngân vốn
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn của tỉnh hơn 4.784 tỷ đồng cho đầu tư công, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên kết quả giải ngân đầu tư công năm 2024 chưa đạt yêu cầu. Tính đến ngày 22/11/2024, giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh mới đạt 60,14%, tương đương với 2.877 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Văn Thánh gặp nhiều vướng mắc dẫn đến phải điều chỉnh biện pháp thi công để phù hợp với tình hình vướng mắc của mặt bằng và điều kiện thực tế của nhà thầu.
Đến thời điểm cuối tháng 10/2024, trong 34 dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu vẫn còn 14 dự án đang triển khai thực hiện bị vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chính vì thế tỉnh phải đưa 8 công trình trọng điểm của năm 2024 vào danh mục công trình trọng điểm năm 2025 để chỉ đạo thực hiện gồm: Kè bờ tả sông Cà Ty; hồ chứa nước Ka Pét; chung cư sông Cà Ty; công trình Công viên Hùng Vương; Cảng hàng không Phan Thiết; làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà); cầu Văn Thánh và khu neo đậu tránh trú bão, kết hợp cảng cá Phú Quý (giai đoạn 2). Mặc dù thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên kết quả giải ngân vẫn đạt thấp hơn trung bình chung cả nước. Với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm này, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình các sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó những hạn chế, yếu kém của các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đã làm kéo giảm tỷ lệ giải ngân xuống thấp.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
UBND tỉnh cho biết, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026 và chỉ tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, do đó các sở, ngành, địa phương phải nỗ lực, tập trung các nguồn lực, khai thác tối đa cơ hội để bứt phá vươn lên, phấn đấu hoàn thành từng nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất. Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2025, tỉnh giao kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh là 3.570.880 triệu đồng. Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2025. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các đơn vị, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm. Kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Phải xác định tỷ lệ giải ngân là một trong các tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, xếp loại cuối năm đối với cán bộ, công chức, quyết tâm phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải quản lý chặt chẽ, không để phát sinh khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản trái với quy định của pháp luật, chống lãng phí, thất thoát. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với các chủ đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu phải chủ động rà soát, xây dựng chi tiết tiến độ thực hiện và chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai các công việc cho năm 2025 và giải ngân ngay sau khi được giao vốn, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới thực hiện. Đồng thời phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc triển khai chi tiết từng dự án, bám sát tiến độ thực hiện, đặc biệt là dự án trọng điểm, các dự án liên vùng, đường ven biển có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không để xảy ra tình trạng công trình, dự án phải chờ mặt bằng.