Giải ngân vốn đầu tư công: Có nhiều chuyển biến tích cực

Kinh tế - Ngày đăng : 14:27, 25/12/2024

BTO-Ngày 25/12, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của năm 2024. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Ban Kinh tế ngân sách - HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND thành phố Phan Thiết. Đối với lãnh đạo UBND các huyện, thị xã và đại diện phòng ban chức năng cấp huyện dự họp tại phòng họp trực tuyến của địa phương.

Tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2024. Theo đó cho biết đến ngày 25/12, giá trị giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng, đạt 76,5% so kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức trung bình của cả nước.

Cụ thể với nguồn vốn trong nước đã giải ngân đạt gần 80% (gồm vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt hơn 80%, vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt gần 72%), còn vốn ngoài nước (ODA) mới giải ngân đạt tỷ lệ 31,24%... Tính riêng dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư hiện có 6 địa phương giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn trở lên: Thị xã La Gi, huyện Phú Quý, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Tánh Linh, huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân.

dung.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phát biểu chủ trì cuộc họp
img_7516.jpg
img_7523.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 trên địa bàn Bình Thuận vẫn còn khó khăn, hạn chế nên kết quả thực hiện tính đến thời điểm hiện tại chưa như mong muốn. Nguyên nhân có một số dự án (Cầu Văn Thánh, thành phố Phan Thiết; Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành; Trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải) vướng đền bù giải phóng mặt bằng, do địa phương chưa phê duyệt phương án bồi thường với tổng kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân là hơn 225 tỷ đồng. Hay như các dự án ODA cũng chậm giải ngân (tổng kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân hơn 185 tỷ đồng) xuất phát từ lý do khách quan, trong đó có khó khăn về thủ tục giải ngân hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án… Do vậy tới đây, các chủ đầu tư phải khẩn trương, thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công làm tăng ca (kể cả ban đêm, ngày nghỉ) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, làm thủ tục thanh toán, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

img_7528.jpg
img_7529.jpg
Lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham gia ý kiến tại cuộc họp.

Cuộc họp cũng dành thời gian để đại diện một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp và các sở ngành liên quan trao đổi, tham gia ý kiến làm rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác này. Qua đó kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời thúc đẩy tiến độ thực hiện trong thời gian nước rút là đến mốc thời gian 31/1/2025, hướng tới nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay của tỉnh đạt mục tiêu kế hoạch đề ra…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng so kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 thì đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận đã chuyển biến tích cực. Qua đây, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những địa phương, chủ đầu tư thực hiện đạt tỷ lệ giải ngân cao và yêu cầu các chủ đầu tư đạt tỷ lệ thấp phải tăng cường giao ban, có giải pháp để kịp thời thúc đẩy tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Để giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cũng như huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành đạt mục tiêu đã đề ra.

Những trường hợp dự án còn vướng đền bù giải phóng mặt bằng, yêu cầu các chủ đầu tư và địa phương liên quan khẩn trương áp giá đền bù, phê duyệt phương án bồi thường để đủ điều kiện giải ngân vốn thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Riêng các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của tỉnh phải kịp thời đề ra giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa để giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. Đối với dự án ODA, giao sở ngành và đơn vị có liên quan chủ động phối hợp các cơ quan Trung ương, nhà tài trợ vốn quan tâm xúc tiến giải ngân kế hoạch vốn...

Liên quan công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, nắm sát tình hình, đôn đốc thực hiện cũng như kịp thời tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/1/2025 đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.

Đ.QUỐC