Cảnh báo số ca mắc sởi tăng nhanh, nguy cơ lan rộng

Y tế - Ngày đăng : 08:38, 26/12/2024

2 tháng gần đây, số ca mắc nghi sởi, mắc sởi tăng đột biến. Sự gia tăng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, các trường học và cộng đồng trong việc thực hiện biện pháp phòng ngừa nhằm tránh nguy cơ lan rộng.
khoa-nhi.jpg
Khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa)

Tăng gấp nhiều lần so với năm trước

Từ đầu năm đến cuối tháng 11/2024, Bình Thuận ghi nhận 803 ca nghi sởi, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2023 chỉ 10 ca nghi sởi. Số ca mắc sởi xuất hiện rải rác từ tháng 1 - 6. Tuy nhiên, từ tháng 7 - 9, số ca mắc nghi sởi tăng dần, lần lượt ghi nhận 13, 19 và 45 ca. Đến tháng 10, số ca mắc bệnh này tăng đột biến lên 211 ca. Và tháng 11 tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng với 493 trường hợp nghi sởi, trong đó, có 202 ca dương tính. So với tháng 10, số ca bệnh trong tháng 11 tăng khá cao. Các trường hợp dương tính với sởi tập trung tại nhiều địa phương. Cụ thể, Phan Thiết (65 ca), Tuy Phong (63 ca) và Hàm Thuận Bắc (30 ca).

Đối mặt với sự gia tăng số ca mắc sởi, cùng thời gian trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận và điều trị 701 bệnh nhân sởi. Song, bệnh viện cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực như thuốc, thiết bị y tế và giường bệnh để sẵn sàng ứng phó. Đó là thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Các trung tâm y tế tuyến huyện cũng tăng cường giám sát, báo cáo các ca nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm và tuyên truyền biện pháp phòng ngừa, đặc biệt tại các trường học mầm non và tiểu học.

Theo Sở Y tế tỉnh, bệnh sởi lây qua đường hô hấp, khi hít phải dịch tiết từ mũi họng của người bệnh qua ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết. Mọi người, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi, nếu chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh, đều có nguy cơ nhiễm khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.

khoa-nhi-1.jpg
Khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa).

Cách phòng bệnh sởi

Các bác sĩ cho biết: Triệu chứng của bệnh sởi thường bao gồm sốt và ban sẩn trên da (không có mụn nước và không phải ban xuất huyết) thêm vào đó, người bệnh có thể xuất hiện thêm một trong các biểu hiện như ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc (mắt đỏ), nổi hạch ở cổ, sau tai hoặc dưới chẩm, và sưng đau khớp.

Để phòng tránh bệnh sởi hiệu quả, Sở Y tế tỉnh hướng dẫn các nhóm trẻ, trường học cách xử lý. Khi chưa có ca bệnh, các trường tuyên truyền phòng bệnh, thông báo tình hình bệnh sởi đến phụ huynh, khuyến cáo trẻ có triệu chứng sốt thì nghỉ học và đi khám; vệ sinh khử khuẩn đồ dùng học tập, phòng học, đảm bảo thông thoáng không gian lớp học. Khi trường có ca nghi mắc hoặc ca xác định, tuyên truyền phòng bệnh, thông báo tình hình bệnh sởi tại trường, đón trẻ tại cổng để phát hiện sớm triệu chứng, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đi khám, yêu cầu giáo viên, cán bộ nghi mắc không đến trường, vệ sinh khử khuẩn và thông thoáng lớp học...

Đồng thời, Sở Y tế khuyến cáo các phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt đối với trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, các biện pháp dự phòng cần được áp dụng như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc các cơ sở y tế; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt khi chăm sóc trẻ và giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước mỗi ngày và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau xanh đậm và các loại quả màu vàng hoặc cam để tăng cường sức đề kháng.

TRANG MINH