Tuân thủ an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh

Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 26/12/2024

Ngày nay, các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đang được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp khai khoáng, năng lượng, y tế. Lĩnh vực an toàn bức xạ (ATBX) được Sở KH & CN phối hợp sở, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đảm bảo ATBX, an ninh nguồn phóng xạ, chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Tuân thủ quy định an toàn bức xạ

Theo thống kê Sở KH & CN, toàn tỉnh hiện có 59 tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động tiến hành công việc bức xạ trong lĩnh vực y tế (132 thiết bị X quang); có 5 đơn vị được cấp phép sử dụng nguồn xạ với nhiều mục đích khác nhau như sử dụng cho phòng thí nghiệm, phân tích, quản lý chất lượng mẫu tại các đơn vị khai khoáng, chẩn đoán điều trị bệnh. Các nguồn xạ này nếu không được sử dụng quản lý, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATBX sẽ khiến nguồn phóng xạ đang sử dụng có nguy cơ bị mất cắp, thất lạc, trở thành nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát. Ngoài ra trên tuyến quốc lộ 1A dài gần 200 km qua địa bàn tỉnh, hàng năm có 10 lượt phương tiện vận chuyển các nguồn xạ đi ngang qua được giám sát. “Hiện nay, dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đang được khởi động trở lại, sẽ đồng hành phương tiện vận chuyển các nguồn xạ qua địa bàn tỉnh trong tương lai gần, cần được giám sát từ các sở ngành chức năng”, Th.S Nguyễn Hoàng Long, Trung tâm Hạt nhân TP. HCM chia sẻ.

img_5595.jpg
 Th.S Nguyễn Hoàng Long truyền đạt các chuyên đề về an toàn bức xạ trong công nghiệp, y tế

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở KH & CN cho biết: “Nhiều năm qua, các đơn vị chức năng trong tỉnh ứng dụng bức xạ hạt nhân trong công nghiệp, y tế đã đem lại lợi ích thiết thực hoạt động hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc ứng dụng bức xạ, hạt nhân cần được các cơ quan sử dụng kiểm soát chặt chẽ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để đảm bảo an toàn cho con người, môi trường xung quanh. Các cơ quan, doanh nghiệp tiến hành công việc này phải đảm bảo liều bức xạ cá nhân đối với nhân viên bức xạ, công chúng, không vượt quá giới hạn liều quy định; thực hiện các biện pháp kỹ thuật hạn chế mức liều bức xạ cá nhân thấp nhất. Cùng đó, doanh nghiệp hoạt động khai thác chế biến khoáng sản sinh ra các đồng vị phóng xạ tập trung trong các bãi chứa, kho lưu trữ các sản phẩm Monazite, Zircon, là nguy cơ có thể gây ra sự cố về ATBX, chất phóng xạ, nếu bị rơi vãi, rây bẩn ra môi trường. Hội nghị tập huấn lĩnh vực này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo ATBX, hạt nhân; nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành trong hoạt động ứng phó sự cố bức xạ cho các thành viên Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh Bình Thuận”.

z6158180665981_fc3a46bf3c0a925bbb0b5998702a93b7.jpg
 Diễn tập ứng phó sự cố nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát

Diễn tập ứng phó sự cố

Trong khuôn khổ liên quan, Th.S Nguyễn Hoàng Long đã truyền đạt các chuyên đề: Khái niệm cơ bản về bức xạ Ion hóa; các biện pháp bảo vệ và kiểm soát chống chiếu xạ ngoài như mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài, kiểm soát thời gian, khoảng cách, kiểm soát suất liều, che chắn… Thạc sĩ Long lưu ý các nhà quản lý, nhân viên hoạt động lĩnh vực này phải đảm bảo 3 yếu tố ATBX: Che chắn - khoảng cách- thời gian; càng ít tiếp xúc tia bức xạ càng tốt, đảm bảo độ an toàn cao; vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ, chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi với người lao động làm công việc bức xạ, hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ ở cơ sở, cấp tỉnh theo Thông tư số 12/2023 của Bộ Khoa học & Công nghệ. Các cán bộ, chuyên viên phụ trách thiết bị bức xạ ở doanh nghiệp, cơ sở y tế được các chuyên gia Trung tâm Hạt nhân TP. HCM hướng dẫn diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, nguồn phóng xạ bị phát tán (rơi vãi, rây bẩn ra môi trường) do tai nạn khi vận chuyển qua địa bàn tỉnh, thông qua tình huống “Phát tán nguồn phóng xạ do tai nạn trong quá trình vận chuyển nguồn trên địa bàn Bình Thuận”. Qua đó, ngành chức năng tỉnh kịp thời huy động các lực lượng, phương tiện kỹ thuật của các sở, ngành tham gia ứng phó sự cố khi có tình huống xảy ra.  

Thái Khoa