Mối tình không biên giới

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:47, 27/12/2024

(Nhà thơ với ký giả)

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ(1) - nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024) và ngày mất vừa tròn 100 tuổi của nữ phóng viên Madeleine Riffaud (6/11/2024) - bà sinh ngày 23/8/1924, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin tưởng nhớ, đặc biệt về mối tình lãng mạn đầy chất thơ của họ. Có thể xem đây là chuyện tình thế kỷ trong giới nhà văn Việt Nam.

dinh-thi.jpg
Các sáng tác nổi bật của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh minh họa.

“Ngẫm duyên kỳ ngộ …” (T. Kiều). “Vào năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn phản công thì ở CHDC Đức tổ chức Đại hội liên hoan Thanh niên Quốc tế. Nguyễn Đình Thi được cử làm đại biểu của Việt Nam đến dự. Tại đây, ông gặp Madeleine Riffaud, một nhà thơ đẹp, trẻ, duyên dáng, đại biểu thanh niên Pháp, nổi tiếng là một chiến sĩ chống phát xít Đức, từng bị Gestapo bắt giam năm 1944 và tuyên án tử hình, rồi được giải cứu chỉ 6 ngày trước khi thi hành án. Lúc ấy, Madeleine Riffaud đang là nữ phóng viên của báo Nhân Đạo”(2).

Sau này nữ nhà báo kể lại: “Vừa chợt thấy Thi, tôi như bị thần tình yêu bắn vào tim”. Tiếng sét ái tình ấy bà còn tâm sự nhắc đi nhắc lại với cô cháu gái của nhà thơ rằng “anh Thi rất đẹp trai”(3). Còn Nguyễn Đình Thi cũng rung động không kém. Tuy nhiên, thời điểm này, cả hai đều đã có gia đình riêng nên gìn giữ tình bạn tâm giao, không ai bước qua ranh giới. Kết thúc đại hội, cả hai chia tay trong lưu luyến(4).

Những năm 1955, 1956, Madeleine Riffaud sang công tác tại Việt Nam, nhiều lần để thăm “người trong mộng”. Trong suốt cuộc tình của nhà thơ và ký giả, họ đã trao nhau cả nghìn lá thư. Trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi có rất nhiều vần thơ, bài hát thấp thoáng bóng hình người con gái Pháp mà ông yêu thương. Chúng ta đến giờ đã quá quen thuộc với bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi, nhưng ít ai biết, đó là những vần thơ ông dành tặng cho Madeleine Riffaud(5). Bài thơ có 3 khổ, 12 câu: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây/ Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn/ Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người” (1954)(6).

Đọc bài thơ của nhà thơ viết cho người tình ký giả, tôi lại nhớ đến chuyện tình nhà thơ Louis Aragon (1897 - 1982, Pháp) và Elsa Triolet (1896 - 1970, Nga), ông đã từng viết tặng Elsa đến mấy tập thơ. Có những câu: “Đôi mắt em sâu xa đến nỗi khi nhìn vào/ Anh thấy cả mặt trời chiếu xuống (…) Đôi mắt em sâu xa đến nỗi anh quên cả trước sau” (Đôi mắt Elsa – Les yeux d’Elsa – Tế Hanh dịch). Nhưng chuyện tình của Aragon – Elsa đi đến kết hôn; còn Nguyễn Đình Thi với Madeleine Riffaud chỉ gắn kết bởi con tim và gặp nhau về lý tưởng chiến đấu, chấp nhận lẽ sống đẹp giữa nghìn trùng xa cách.

Lẽ sống đẹp đó biểu hiện rất rõ như một bức tranh về tình yêu trong bài Nhớ, nỗi nhớ và hy sinh, vẽ nên một bức chân dung cảm động về người chiến sĩ cách mạng, hướng về tương lai tươi sáng. Biểu hiện cảm xúc qua hình ảnh thơ mang tính ẩn dụ nhân hóa quen thuộc trong ca dao: “Ngôi sao nhớ ai mà ngôi sao lấp lánh?”. Trong cảm thức nhà thơ hình ảnh ngôi sao và ngọn lửa không chỉ đơn thuần là vật thể tự nhiên mà còn là biểu tượng cho lý tưởng và tình yêu, nỗi nhớ và sự hy vọng. Ánh sao lấp lánh ở phương trời xa kia “Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây”; còn ngọn lửa kia là chất xúc tác tình yêu làm “hồng đêm lạnh”, “Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây”. Cảm hứng thơ không chỉ là lời tỏ tình mà còn như tuyên ngôn về tình yêu, cuộc sống: “Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Tình yêu được so sánh với tình yêu dành cho đất nước là một cảm xúc về tình yêu thiêng liêng và cao cả, gắn kết tình yêu người yêu và đất nước với nhau mang đậm tính vị tha, sẵn sàng hy sinh vì đối tượng mình yêu thương, cùng mang lại niềm vui, nỗi buồn, hy vọng và cả hy sinh. Một tình yêu không bao giờ nguôi tắt trong tâm khảm: “Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn”. Điệp từ “mỗi” nhấn mạnh sự đều đặn, liên tục, không có khoảnh khắc nào vơi, lan tỏa trong từng chi tiết bình dị nhỏ nhặt hằng ngày, bước đi, nằm nghỉ, miếng ăn; đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người chiến sĩ. Ở bốn câu thơ cuối, hình ảnh ngôi sao và ngọn lửa được nhắc lại, nhưng ở một cung bậc khác. Ở đây hình ảnh ngôi sao còn tượng trưng cho lý tưởng, tình yêu bất diệt, “không bao giờ tắt”, luôn soi sáng con đường phía trước; ngọn lửa tượng trưng cho sức sống, cho con tim tràn đầy nhiệt huyết, khát vọng cháy bỏng, luôn “bập bùng đỏ rực” trong rừng tối. Điều đó khẳng định tình yêu không chỉ là cảm xúc lãng mạn mà còn là động lực để cùng nhau vượt qua khó khăn, “chiến đấu suốt đời” vì một mục tiêu chung, khẳng định giá trị lớn nhất của sự sống. Đó chính là “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.

(1): Tôi nói ông nhà thơ vì có lần ông là khách mời VTV, MC hỏi sáng tác của ông thành công xuất sắc trên nhiều thể loại: văn, thơ, nhạc, kịch, vậy không biết gọi ông là nhà gì. Ông nói gọi tôi là nhà thơ; (2), (5): (baophapluat.vn.); (3): VTV2, phim tài liệu phát lại lúc 2 giờ ngày 21/12/2024; (4): dantri. com.vn; (6): https://www. thivien. net. Bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ thành bài hát cùng tên.

Võ Nguyên