Cả nước phát hiện vi phạm hơn 157.000 tỷ đồng qua công tác thanh tra

Pháp luật - Ngày đăng : 16:45, 28/12/2024

BTO-Sáng 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng.
nxt4378-1735368150012680083824.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị,  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.

Năm 2024, ngành Thanh tra đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm.

Cụ thể, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 447.571 đơn các loại, đã xử lý 436.662 đơn, chỉ có 366.174 đơn đủ điều kiện xử lý. Qua xử lý có 54.953 đơn khiếu nại, 21.987 đơn tố cáo, 289.234 đơn kiến nghị, phản ánh. So với năm 2023, số đơn các loại tăng 5,9%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 10%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 19,5%.

img_3727.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng dự hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua các hoạt động kiểm tra nội bộ và qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng đã phát hiện và xử lý 61 vụ việc, 107 người.

Trong đó, ở Bình Thuận, qua thanh tra hành chính phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế hơn 7,3 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1,6 tỷ đồng. Trong thanh tra chuyên ngành phát hiện sai phạm hơn 38 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 36 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 35 tỷ đồng, ban hành 676 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 1 vụ/2 đối tượng. Đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã giải quyết được 3.318 vụ trong tổng số 3.699 đơn và vụ việc tiếp nhận đã qua xử lý… Với phòng, chống tham nhũng đã ban hành 18 kết luận thanh tra, phát hiện sai phạm tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong đó kiến nghị thu hồi 257 triệu đồng, xử lý khác số tiền 2,4 tỷ đồng và xử lý các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm.

Tại hội nghị, toàn ngành đã tập trung thảo luận, phân tích những điểm nổi bật của năm 2024, làm rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vướng mắc phải giải quyết để nâng cao chất lượng công tác thanh tra. 

img_3738.jpg
Thanh tra Bình Thuận dự hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận nhiều “điểm sáng” của ngành thanh tra trong năm 2024. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo dù là điểm sáng nhưng vẫn còn nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Cùng với đó có những kết luận thanh tra chưa thật sự “tâm phục, khẩu phục”, “thấu tình đạt lý” và khả thi. Điều này thể hiện qua kết luận thanh tra của một số dự án ở các tỉnh, thành khiến cho doanh nghiệp muốn tiếp tục đầu tư cũng không được, khiến dự án treo nhiều năm lãng phí tiền của Nhà nước, cần phải tháo gỡ.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đồng tình với những phương hướng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, ngành thanh tra cần quan tâm đến Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Mặc dù ngành không thuộc diện sáp nhập theo tinh thần nghị quyết, song cũng phải đổi mới để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đối với công tác phòng, chống lãng phí, cần tập trung hướng dẫn cho các ngành, địa phương về việc xử lý các vi phạm gây ra lãng phí, giải pháp phòng ngừa lãng phí; tập trung hoàn thiện hướng dẫn thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập.

Ninh Chinh