10 sự kiện tiêu biểu của Bình Thuận trong năm 2024

Xã hội - Ngày đăng : 17:19, 31/12/2024

Năm 2024 khép lại với nhiều sự kiện dấu ấn nổi bật trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong tỉnh năm 2024 do Báo Bình Thuận bình chọn.

1. Công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

z5200024872595_b42f8bf6e837334c9899e8039da532f6.jpg

Tháng 2/2024, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, các ngành; định hình các đột phá chiến lược, triển khai các giải pháp phù hợp để Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững; trung tâm năng lượng sạch; trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và hơn 300 nhà đầu tư trong và ngoài nước thuộc mọi ngành nghề lĩnh vực. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bình Thuận cần tận dụng lợi thế của vùng đất đầy nắng và gió, vì đây chính là lợi thế để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi… Và đó cũng chính là điểm nhấn để tạo sự khác biệt, là nguồn hấp dẫn mạnh nhất đối với các nhà đầu tư trong xu thế hiện nay.

2. Bình Thuận thực hiện sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã

z6182417327128_bd2609703ce9d3fc3f1edd5e4db40214.jpg

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Bình Thuận giai đoạn 2023 – 2025, Bình Thuận đã tổ chức sắp xếp lại 5 đơn vị hành chính phường thuộc thành phố Phan Thiết để thành lập 2 đơn vị hành chính phường mới; đồng thời điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên của xã Phan Lâm để nhập vào xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Thuận hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 93 xã, 16 phường và 12 thị trấn.

3. Chấp thuận đầu tư khu đô thị Hàm Tiến - Mũi Né hơn 12.000 tỷ đồng

z6182315740609_463bbd1e77aedb44a772cfd3536b108c.jpg

Khu đô thị này đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 5/7/2024 và được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt nhà đầu tư đáp ứng hồ sơ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án vào ngày 27/9/2024. Theo quy hoạch, dự án này có quy mô gần 220 ha sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng, thương mại dịch vụ và nhà ở, đáp ứng dân số tính toán dự kiến khoảng 15.000 người. Được biết, tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm tổng mức đầu tư xây dựng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là hơn 12.000 tỷ đồng (trong đó vốn huy động hơn 10.000 tỷ đồng theo tiến độ dự án và quy định pháp luật)…

4. Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Phan Thiết

z6182417327209_6429b15bdc7cc77350180949770dd500.jpg

Đúng 7 giờ 9 phút ngày 17/7/2024, máy bay NC - 212i mang số hiệu 8992 chở đoàn công tác từ sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống đường băng sân bay Phan Thiết an toàn tuyệt đối. Tiếp đó, máy bay tiếp tục cất cánh bay các bài bay kiểm tra đài trạm tại sân bay, bay hiệu chỉnh, bay xuyên mây, bay đường dài… nhằm kiểm tra các hạng mục đã hoàn thiện như đường băng, sân đỗ, đài trạm và công tác điều hành tổ chức tiếp thu, phóng hành các loại máy bay cất, hạ cánh trên sân bay Phan Thiết. Sau gần 1 giờ bay, với 4 lần cất, hạ cánh, các phi công hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về hạ cánh an toàn tuyệt đối, kết thúc những chuyến bay đầu tiên tại sân bay Phan Thiết. Đây là chuyến bay, đánh dấu bước quan trọng trong thành công của việc xây dựng sân bay cũng như việc đảm bảo, chuẩn bị tốt mọi mặt tại sân bay Phan Thiết đủ điều kiện di chuyển lực lượng Trung đoàn 920 từ sân bay Cam Ranh vào khai thác huấn luyện các loại máy bay trên sân bay Phan Thiết.

5. Bình Thuận tổ chức thành công Giải Vô địch Thế giới Carom 3 băng

ad0b4b07-229c-4f2d-b8bc-7e9558d99ce8.jpeg


Giải Billiards Carom 3 băng vô địch cá nhân thế giới lần thứ 76 là giải đấu danh giá nhất thế giới của nội dung Carom 3 băng thuộc hệ thống thi đấu chính thống. Giải diễn ra từ ngày 25 - 29/9/2024 tại Sea Links City (thành phố Phan Thiết) với sự tham gia tranh tài của 48 cơ thủ hàng đầu thế giới đến từ 26 quốc gia thuộc các Liên đoàn Billiards châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi - Trung Đông. Việt Nam có 7 cơ thủ tham gia gồm: Bao Phương Vinh, Trần Quyết Chiến, Nguyễn Văn Tài, Trần Thanh Lực, Lê Thành Tiến, Trần Đức Minh, Chiêm Hồng Thái. Sự kiện quy mô này tạo được uy tín khi tổ chức các giải đấu thể thao mang tầm thế giới.

Ban tổ chức giải thống nhất chọn linh vật của giải đấu là Rồng - Thanh long với logo nhận diện Giải Billiards Carom 3 băng vô địch thế giới lần thứ 76. Linh vật Rồng - Thanh long lấy cảm hứng thiết kế từ trái thanh long nổi tiếng của Bình Thuận với giao diện vui tươi, thân thiện, mến khách.

6. Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Tánh Linh

z6182315730182_a912f3e6fe83aa44b622d4775f6d166f.jpg

Ngày 25/12/1974, huyện Tánh Linh được hoàn toàn giải phóng đã mở đường cho chiến thắng Phước Long và chiến dịch Hồ Chí Minh dẫn tới thắng lợi hoàn toàn miền Nam vào 30/4/1975. Sáng 21/12/2024, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tánh Linh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Tánh Linh. 50 năm qua, Tánh Linh từng bước xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Từ một huyện nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đến nay đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, dựa trên 3 trụ cột: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cơ sở hạ tầng thiết yếu: điện – đường – trường – trạm – thông tin và các hạ tầng khác ngày càng hiện đại và đồng bộ. 10/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Lạc Tánh đạt chuẩn đô thị văn minh. 63/63 trường học của huyện được kiên cố hóa, 43/63 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 68% (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh). Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đã đạt 53 triệu đồng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên đáng kể; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

7. Bình Thuận tổng kết Nghị quyết 18

z6182417327196_5fec3a4a0151fa9c6eaa645c106e4c49.jpg

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” Bình Thuận đã tập trung triển khai với tinh thần nghiêm túc, chủ động, quyết tâm cao. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu cần thực hiện nghiêm, bám sát chủ trương, chỉ đạo, định hướng cơ cấu tổ chức của Trung ương bảo đảm sự thống nhất quản lý theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời, địa phương xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nên cần sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân... Dự kiến sau sắp xếp, tỉnh sẽ giảm 1 Ban Đảng cấp tỉnh, 10 Ban Đảng cấp huyện; giảm 5 sở, 1 Ban Quản lý dự án trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, 7 phòng chuyên môn trực thuộc sở; giảm 12 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, 5 chi cục trực thuộc sở, giảm 22 phòng chuyên môn cấp huyện.

8. Du lịch Bình Thuận đón 9,68 triệu lượt khách

202210251056154.jpeg

Du lịch Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng ấn tượng sau Năm Du lịch quốc gia. Các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch khi đón được 9,68 triệu lượt khách tăng gần 16% so với năm 2023. Doanh thu đạt 25.530 tỷ đồng, tăng 14,4%. Bình Thuận giữ vững hình ảnh điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”; tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước cũng như tự tin chinh phục những mục tiêu cao hơn để đưa ngành “công nghiệp không khói” cất cánh bay cao, vươn xa.

9. Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo vật quốc gia Linga vàng

z6182417327195_b9c9e6038af65c62206c5c6329db15f2.jpg

Sáng 2/10/2024, tại tháp Po Sah Inư (TP.Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân tỉnh Bình Thuận, khi lần đầu tiên địa phương có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bảo vật quốc gia Linga vàng tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ. Linga vàng là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài, được chế tác rất đặc biệt có trọng lượng 78,36 gram, với tỷ lệ vàng ròng chiếm 90,4%, 9,6% còn lại là bạc và đồng. Hiện vật Linga vàng tại Di tích tháp Po Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) được phát hiện ngay ở địa tầng trong quá trình khai quật khảo cổ, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích tháp Po Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung.

10. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Đại hội các Dân tộc thiểu số và Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Thuận

z6182417327201_6850c4c5b476e3b3d10d51868b2326e8.jpg

- Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 tiếp tục đổi mới thực chất, hiệu quả tổ chức bộ máy; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh. Đại hội đã hiệp thương cử 87 vị vào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 và 8 vị đại biểu chính thức tham gia Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Bà Bố Thị Xuân Linh được hiệp thương tái cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2024- 2029.

z6182417327208_ec7d954ffbef662ae0683ba5aefcf31a.jpg

- Bình Thuận có 34 thành phần dân tộc thiểu số, 105.821 người, chiếm trên 8,4% dân số của tỉnh. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bình Thuận lần thứ III năm 2019; công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2019 – 2024, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tiếp tục được quan tâm thực hiện đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, củng cố quốc phòng an ninh ở vùng đồng bào DTTS, cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác dân tộc, xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời bảo tồn và phát huy các di sản, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

z6182417327203_1cef57a038ec143b1e7317f0c061544a.jpg

- Nhiệm kỳ 2024 - 2029, với khẩu hiệu hành động “Thanh niên Bình Thuận đoàn kết, khát vọng, sáng tạo, tiên phong xây dựng quê hương phát triển”, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Thuận phấn đấu 100% cán bộ, hội viên được quán triệt, học tập và 80% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến về các nghị quyết của Đảng, Đoàn và Hội, được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh. Giới thiệu việc làm cho 35.000 thanh niên, trong đó ít nhất 15.000 thanh niên có việc làm ổn định. Hỗ trợ ít nhất 20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên...

BBT