Văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của đời sống - xã hội
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:39, 01/01/2025
Những điểm nhấn
Trong bối cảnh mới, văn hóa tiếp tục phát huy vai trò của mình với tư cách là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực cho sự phát triển. Ghi nhận năm 2024, công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ sát với nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản và mang tới cho cộng đồng những lợi ích thiết thực, bền vững. Nổi bật như Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Cầu ngư tại dinh Vạn Thủy Tú, Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh xuất du…
Đặc biệt, tại Lễ hội Katê tại di tích tháp Pô Sah Inư năm 2024, Sở VHTT&DL tổ chức kết hợp lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong). Sự kiện góp phần quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, cũng như mở ra cơ hội kết nối các tour, tuyến du lịch đến với vùng di sản ở Phan Thiết, Bắc Bình. Ghi nhận năm nay, Bảo tàng tỉnh đón gần 212.000 lượt khách đến tham quan, đạt 124%, trong đó có 3.247 khách quốc tế, doanh thu phí tham quan hơn 2,2 tỷ đồng, đạt 101%.
Cùng với đó, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương thực hiện công tác lập, thẩm định, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tổ chức truyền dạy nhạc cụ, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; khảo sát, sưu tầm các di chỉ khảo cổ học; bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng. Phục vụ chu đáo các đoàn đại biểu, lãnh đạo đến dâng hướng viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận.
Không chỉ nghệ thuật chuyên nghiệp gặt hái được nhiều thành tích cao tại các liên hoan khu vực và toàn quốc mà văn nghệ quần chúng cũng hết sức sôi động. Những ngày cuối năm, Hội diễn Nghệ thuật không chuyên tỉnh Bình Thuận sau 8 năm mới tổ chức trở lại đã ghi dấu ấn đậm nét với nội dung nghệ thuật chất lượng và số lượng đông đảo các diễn viên của 17 đoàn đến từ các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tham gia. Điều này góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiệm vụ này được đẩy mạnh theo hướng ngày càng thực chất hơn, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; gia đình là nơi để góp phần hình thành con người văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa chuyển biến từ trong nhận thức đến hành động của mỗi chủ thể, mỗi người dân thông qua thực hành văn hóa hằng ngày. Bằng chứng là xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt”, mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Khơi dậy và phát huy tài nguyên văn hóa
Văn hóa tồn tại trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bất kể lĩnh vực nào từ kinh tế, chính trị, xã hội… văn hóa đều giữ vai trò khơi dậy động lực phát triển. Bước sang năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh. Do đó, toàn ngành VHTT&DL tỉnh đề ra nhiệm vụ tập trung công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng động, sáng tạo và bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội với phương châm hành động “Tăng tốc, sáng tạo, về đích”.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền, cổ động, triển lãm, các hội thi, hội diễn, luân chuyển sách, chiếu phim lưu động phục vụ các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, địa phương và nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa dân gian mang nét đặc trưng, gắn với phát triển du lịch của địa phương. Song song với phát triển và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo đúng thực chất gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2025 của tỉnh.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 95,24% hộ đạt “Gia đình văn hóa”, 96,53% đạt “Thôn, khu phố văn hóa”, 216 cơ sở thờ tự đăng ký “Cơ sở thờ tự văn hóa”, 61 dòng tộc đăng ký “Dòng tộc văn hóa”. Hiện 436/436 thôn có Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn hoặc trụ sở sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho nhân dân tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và hội họp.