Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm trong tháng đầu năm
Kinh tế - Ngày đăng : 05:44, 02/01/2025
Trước thềm năm mới, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bình Thuận đạt 76,5% so kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức trung bình của cả nước. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm vừa qua toàn tỉnh đã giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng, riêng dự án do các địa phương làm chủ đầu tư giải ngân gần 1.533 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84%. Theo đó có 6 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn trở lên, gồm: UBND thị xã La Gi (156%), UBND huyện Phú Quý (94%), UBND huyện Hàm Thuận Bắc (88%), UBND huyện Tánh Linh (84%), UBND huyện Hàm Thuận Nam (83%), UBND huyện Hàm Tân (80%). Đối với các địa phương còn lại cũng đạt từ 60% trở lên, trong đó UBND thành phố Phan Thiết đạt 75% và UBND huyện Đức Linh đạt 74%...
Tuy nhiên với các sở ngành, đơn vị làm chủ đầu tư, cùng thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công khoảng hơn 210 tỷ đồng và mới đạt 57% kế hoạch năm 2024. Dù vậy cũng có một số đơn vị giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn như: Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (100%), Sở Y tế (100%), Đài Phát thanh - Truyền hình (97%), Sở Giáo dục và Đào tạo (95%), Công an tỉnh (95%), Sở Giao thông Vận tải (91%)… Trong khi đó, tính chung các dự án do 3 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh làm chủ đầu tư đã thực hiện giá trị giải ngân gần 1.080 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Với kết quả như trên thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 1 tháng (tính đến mốc thời gian 31/1/2025) để nỗ lực và thể hiện quyết tâm nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch năm 2024… Báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công với lãnh đạo tỉnh trong cuộc họp mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra những khó khăn, hạn chế cũng như nguyên nhân khiến tỷ lệ đạt được chưa như mong muốn. Bởi do có 1 dự án giao thông chờ đấu thầu để giải ngân hơn 53 tỷ đồng, 3 dự án cầu - đường còn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa giải ngân gần 226 tỷ đồng, các dự án ODA vì nguyên nhân khách quan cũng chưa giải ngân hơn 185 tỷ đồng…
Thế nên bước vào giai đoạn nước rút thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bình Thuận sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhất là những trường hợp chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân hiện đạt dưới mức trung bình của tỉnh càng phải khẩn trương, thực hiện quyết liệt hơn nữa để đạt trên 95% kế hoạch. Đối với dự án đang thi công, yêu cầu chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công tăng ca kể cả ban đêm, ngày nghỉ nhằm đẩy nhanh tiến độ và làm thủ tục thanh toán, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Còn với dự án vướng đền bù giải phóng mặt bằng thì yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương liên quan kịp thời áp giá đền bù, phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Liên quan công tác này, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cũng được yêu cầu sớm hoàn thành đấu thầu, tiến tới giải ngân hết kế hoạch vốn được giao đối với dự án đường tránh ĐT.719 và cầu qua sông Dinh, thị xã La Gi. Cùng với đó, đơn vị này hiện cũng đang nỗ lực hoàn thành giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2024 cho một số dự án: Đường từ thị trấn Tân Minh đi xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện…