Hình ảnh trái bầu trong ẩn ngữ ca dao Việt Nam

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:37, 03/01/2025

Trái bầu trong tâm thức của người Việt là hình ảnh của một loại củ quả thân thương, nó gắn liền với đời sống ẩm thực và sinh hoạt thường nhật của nhân dân.
trai-bau.png
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cũng như hạt lúa, củ khoai, con gà, con cá, nó góp phần cho sự sung túc hơn trong kho tàng các món ăn Việt Nam, nhưng ngược lại nó cũng là thức dễ ăn, dễ kiếm, trong những ngày trở trời gió bão hay những lúc giáp hạt, tai ương. Nó cũng còn được dùng như một hình ảnh tượng trưng trong đình chùa, miếu mạo. Và trong văn học dân gian Việt Nam, thể hiện qua tục ngữ hoặc ca dao, nó được sử dụng một cách tài tình và linh hoạt qua câu ca dao được kết cấu theo lối thể tỉ, dùng một vật là trái bầu để làm tỉ ngữ cho cái ý ẩn chứa tuyệt vời nói về sự đoàn kết một lòng của nhân dân trong cùng một nước như sau:

Bầu ơi! Thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Chỉ đơn giản bằng hai câu lục bát, gói trong tổng cộng có 14 chữ nhưng nó cho thấy tinh thần một lòng cố kết thương yêu, đùm bọc nhau của người Việt chúng ta. Dù bầu hay bí, dù Việt hay Chăm, dù Tày Thái, Nùng Hoa, chúng ta đang sống chung trong một đất nước có 54 dân tộc và cũng như những sợi dây leo bầu bí quấn quýt bên nhau trên một giàn tre. Nên nhớ, khác giống nhưng chung một giàn, kỳ diệu và thâm sâu thay cho tính cách và tâm hồn người Việt cao quý. Còn nữa, trong âm nhạc cổ truyền Việt, chúng ta có cây đàn bầu với một chỗ đứng ngàn đời không phai trong lòng người dân, khi nghe được những thanh âm độc đáo, thuần túy, không lẫn vào đâu được của tâm hồn người dân Việt. “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu”. Ôi Việt Nam linh thiêng mà lãng mạn. Cây độc huyền cầm với phía dưới đế đơn sơ chỉ là một đoạn cây tre lồ ô chẻ nửa, còn phía trên cũng chỉ cây cần đàn được vót bằng tre lồng trong trái bầu khô lên nước. Chỉ một dây đàn, vâng chỉ một dây đàn, tấm lòng người Việt đã đi khắp năm châu.

Trong tình nghĩa lứa đôi, vợ chồng. Ai mà không thổn thức khóc thầm khi mà: Ai làm bầu bí đứt dây. Chàng nam, thiếp bắc, gió tây lạnh lùng. Còn trong cảnh nghèo khó, vợ chồng thương yêu nhau thì cho dù: Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. Cây bầu, trái bầu có nhiều loại, nhiều giống nhưng tựu chung lại có thể xếp vào hai loại: Trái dài và trái tròn. Loại trái dài có giống trái dài đến cả mét, từ giàn trái thòng xuống đến gần sát đất. Cắt ăn một lần không hết, người ta cắt ăn dần từng khúc từ dưới lên. Hoặc cắt mang vào gọt vỏ rồi xắt từng lát hơi mỏng đem phơi khô, để dành ăn dần và gọi là bầu khô. Trước khi nấu, kho hay xào thì đem ngâm nước cho bầu mềm ra, nấu ăn rất ngon. Trái bầu còn cho chúng ta một món ăn độc đáo nữa mà ít người biết đến, đó là nộm bầu làm gỏi theo kiểu như gỏi mít non. Nạo thịt trái bầu thành từng sợi dài, đem chần qua nước sôi nhưng đừng cho chín quá ăn mất ngon, nhai trong miệng thấy giòn sựt sựt là được. Trộn được với tất cả nguyên liệu cá thịt gì cũng được, còn không thì trộn gỏi chay với bầu nộm, rau thơm, đậu phộng rang thơm cùng nước mắm giã ớt tỏi đường. Trái bầu nấu canh với cá, tôm thịt gì cũng ngon, cũng ngọt nước. Nhưng ngon nhứt là nấu với nước cốt thịt con cua đồng, ăn qua một lần là không thể nào quên cái hương vị ngọt ngào đồng quê của nó. Bầu xào thịt heo ăn cũng ngon lắm, nhưng xào với tóp mỡ heo ăn ngon ngọt hơn nhiều.

Trong kháng chiến ngày trước, dân ta lên rừng lập làng chiến đấu, khai rẫy, làm vườn để tự túc lương thực với phương châm cứ làm, cứ trồng, còn ai ăn, ai hưởng cũng được, không người này thì người khác, không toán này thì toán khác. Cây ớt, cây cà, dây bầu, dây bí, rẫy mía, rẫy mì. Người trước cứ trồng rồi đi, người sau đến hái ăn rồi trồng tiếp. Cứ thế, cách mạng nhân dân kéo dài cho đến ngày chiến thắng. Ngày trước, cái giàn bầu, giàn mướp làm bằng tre, có ai còn nhớ cái con ong bầu đen kịt, bay vo ve trên các nụ hoa, hoa mướp thì nó dính phấn vàng, hoa bầu thì nó dính phấn trắng, rồi khoan thai bay chui tọt vào tổ khoan sẵn ở dưới những ống tre kê làm giàn, tuyệt đối không bao giờ có miệng tổ ong bầu nằm bên trên ống tre vì nó nhạy cảm với ánh sáng và nước mưa. Đất nước thanh bình, nhà nhà no ấm. Khi vui ta với tay lấy trái bầu khô, gọi yêu cô vợ bầu mua giùm cho mình ít rượu. Cuộc đời còn có gì hơn!

Nguyễn Dũng