Chuyện can chi và địa chi - 12 con giáp

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:48, 03/01/2025

Trước kia tôi có viết bài Cuối năm nói chuyện lịch âm dương trên Bình Thuận cuối tuần, một bạn đọc hỏi sao con giáp thì 12: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi; còn can chi chỉ có 10: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhân, Quý. Một bạn khác hỏi, sao chọn 12 vật ấy mà không chọn những con vật khác đưa vào con giáp? Vừa rồi có một bạn nhắc lại.

Khi tìm hiểu, giữa địa chi 12 (con giáp) với can chi chỉ có 10, thấy sự chênh lệch, nhưng trong văn hóa Á Đông cả hai hệ thống cùng sử dụng để chỉ thời gian và tuổi tác, song tính toán khác nhau. Người xưa chọn 12 con giáp để đưa ra cách tính dựa trên chu kỳ 12 năm, mỗi năm tương ứng với một con vật, được dân gian sử dụng phổ biến, vì nó đơn giản và dễ nhớ. Hỏi anh tuổi gì? Nói tôi tuổi Tỵ, vì sinh vào năm Tỵ. Còn cách đưa ra 10 can chi là hệ thống phức tạp hơn, để kết hợp với 12 địa chi. Khi kết hợp cả hai, sẽ có một chu kỳ 60 năm để tính chi tiết hơn về thời gian và tuổi tác (cứ 60 năm thì giáp lại, ví như năm nay 2025 là năm Ất Tỵ, đến 60 năm sau, tức năm 2085 thì giáp lại năm Ất Tỵ). Từ đó người ta tính chu kỳ để biết tuổi của một đời người. Về lịch sử, cả hai hệ thống đều có nguồn gốc từ thời cổ đại, nhưng can chi được xem là hệ thống chính thức hơn và được sử dụng rộng rãi trong các văn bản lịch sử. Cả hai hệ thống đều có giá trị riêng và cùng tồn tại trong văn hóa Á Đông, ngoài việc xác định thời gian và tuổi tác, còn được sử dụng trong các lĩnh vực như phong thủy, tử vi.

121.jpg

Người xưa quan niệm rằng, sự vận động của các hành tinh có ảnh hưởng đến cuộc sống con người. 12 con giáp được xem là đại diện cho sự tương tác giữa trái đất và các hành tinh khác, tạo thành một hệ thống chiêm tinh học phức tạp. Mỗi con giáp đều mang một ý nghĩa văn hóa riêng, gắn liền với các truyền thuyết – câu chuyện dân gian. Việc chọn 12 con giáp không đơn thuần để tính theo âm lịch truyền thống mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa, nhằm tương ứng dựa trên chu kỳ mặt trăng, chia một năm thành 12 tháng. Chọn 12 con giáp tương ứng với 12 tháng. Một ngày cũng chọn 12 con giáp để ứng với 12 giờ trong ngày. Mỗi con giáp tượng trưng cho khoảng thời gian nhất định, liên quan đến đặc tính hoạt động của mỗi con vật trong thời gian đó.

Có ý kiến cho rằng sao không chọn những con vật khác to lớn nhất như con voi, đẹp nhất như công – phượng hoàng để thay một số con vật trong 12 con giáp? Ý kiến đặt ra rất hay, nhưng voi, công - phượng có thể là những con vật không được phổ biến ở mọi vùng miền, người xưa chọn những con vật trong 12 con giáp mang tính phổ biến, có ý nghĩa tượng trưng rõ ràng theo sự quan sát hằng ngày, hằng năm của họ; chỉ có con rồng, nhưng rồng là con vật tô tem, một biểu tượng linh thiêng, được khắc họa trong các đền miếu khắp nơi để phụng thờ, ai cũng thấy, gắn liền với truyền thuyết dân gian quen thuộc có ý nghĩa đối với cộng đồng người. Ý nghĩa tượng trưng ở đây là mỗi con vật đại diện cho một đặc tính, tính cách khác nhau và gắn liền với các yếu tố tự nhiên như đất, nước, lửa, gỗ, kim, khí. Sự kết hợp của 12 con vật này tạo nên một vòng tròn hoàn hảo cho sự tuần hoàn của vũ trụ và cuộc sống. Người xưa quan sát kỹ lưỡng hoạt động của các loài động vật xung quanh trong cuộc sống hằng ngày và chọn ra 12 con vật đại diện cho 12 tháng trong năm, mỗi con vật hoạt động mạnh nhất vào một mùa nhất định và mỗi thời điểm nhất định trong ngày. Tuy một số con vật có đặc điểm sinh học nhưng không phù hợp để làm biểu tượng cho một chu kỳ thời gian cụ thể, nên không thể đưa vào 12 con giáp. Người xưa đặt mỗi con vật ở mỗi khung giờ cũng có những yếu tố mang tính biểu tượng của nó. Ví như đặt giờ tý cho con chuột, đứng đầu địa chi, khoảng thời gian từ 23 giờ khuya ngày hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, theo quan sát, đây là lúc chuột hoạt động sôi nổi nhất. Tính âm dương thì chân trước của chuột có 4 ngón (số chẵn - âm), chân sau có 5 ngón (số lẻ - dương). Điều này tượng trưng cho sự cân bằng âm dương, phù hợp với giờ tý nằm giữa thời điểm chuyển giao giữa đêm (âm) và ngày (dương). Chuột được xem là loài vật thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo và có khả năng thích nghi tốt. Những đặc điểm này khiến chuột trở thành biểu tượng của sự khởi đầu mới, của sự phát triển và thịnh vượng. Hay đặt giờ Ngọ cho con ngựa, vào khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ trưa, đó là lúc mặt trời đạt đến điểm cao nhất, chiếu sáng nóng nhất, được xem là thời điểm dương khí cực đại, mọi hoạt động của những con vật khác thường được dừng lại để nghỉ ngơi, dưỡng sức, riêng con ngựa vẫn có thể hoạt động mạnh mẽ, phi nước đại dưới ánh mặt trời trưa gay gắt. Điều này khiến người ta liên tưởng đến sự dẻo dai, bền bỉ của ngựa và gắn nó với khoảng thời gian tràn đầy năng lượng này. Đây cũng là thời điểm cân bằng âm dương: Giờ ngọ đánh dấu sự chuyển giao giữa thời gian ban ngày – buổi sáng (dương) và chuyển sang buổi chiều (âm). Sự cân bằng âm dương đó tạo nên sự hài hòa trong vũ trụ. Những con vật còn lại trong 12 con giáp cũng đều có ý nghĩa tương ứng với khoảng thời gian được xếp theo thứ tự của nó mà người xưa quan sát từ thực tế. Như giờ dậu, đặt tên cho con gà, khoảng thời gian từ 17 đến 19 giờ, là thời gian chuyển giao giữa ban ngày và ban đêm, lúc gà trở về chuồng để nghỉ ngơi. Ứng với đời sống, là thời điểm mọi người thường nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, chuẩn bị cho bữa tối và những hoạt động thư giãn. Trong phong thủy, giờ dậu gắn liền với yếu tố Kim, tượng trưng cho sự cứng rắn, bền bỉ…

Từ ý nghĩa việc chọn con số hoàn hảo đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố thiên văn, văn hóa và tâm linh, trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa Á Đông, nên chuyện 10 trong can chi và 12 con giáp còn rất nhiều vấn đề để trao đổi bàn luận.

Võ Nguyên