Vốn chờ người vay
Kinh tế - Ngày đăng : 05:15, 13/01/2025
Anh H. Đ, doanh nghiệp kinh doanh xây dựng ở xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết cho biết: Vào cuối năm nhu cầu sửa nhà và nước rút hoàn thiện các công trình để đón Tết Nguyên đán khá lớn. Năm nào tôi cũng nhận được khoảng chục căn nhà vào dịp này để làm nên nguồn vốn đầu tư rất cần. Mấy năm trước vay ngân hàng hơi khó vì lượng người vay nhiều, trong khi Room tín dụng “hết” nên phải chờ khách hàng trả nợ hoặc có nguồn từ người gửi tiết kiệm thì mới có khoản giải ngân nên phải đành “bấm bụng” vay bên ngoài với lãi suất cao để có nguồn đầu tư làm công trình. Năm nay, ngay từ đầu năm nhiều ngân hàng đã gọi thông báo là nguồn vốn cho vay thoải mái nên vay lúc nào cũng được. Vừa rồi tôi đem “sổ đỏ” vay thế chấp 2 tỷ đồng, chỉ trong vòng 2 ngày là được giải ngân, có vốn đầu tư nên mạnh dạn nhận công trình nhiều hơn...
Cùng quan điểm với anh Đ, chị Bích ở xã Hàm Đức có cửa hàng đầu tư phân bón và thức ăn gia súc cho hay. Năm 2023 muốn vay 3 tỷ đồng làm hồ sơ gửi 3 ngân hàng, nhưng cũng phải chờ cả tháng. Nhưng qua năm 2024 và mới đây nhiều ngân hàng chủ động gọi mời vay vốn. Từ cảnh phải năn nỉ ngân hàng để được vay vốn bỗng chốc hóa thành “thượng đế” khi được nhiều ngân hàng mời chào vay vốn với lãi suất ưu đãi. Thậm chí một số ngân hàng còn sẵn sàng mua lại nợ của khách hàng ở ngân hàng khác và cho vay thêm sát với tài sản được ngân hàng thẩm định... Đó là 2 trong hàng ngàn cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên vay vốn ngân hàng để làm ăn nên nắm khả rõ về tình hình cho vay của các ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, năm 2024, các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động và cho vay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 1,5 - 4,1%/năm, kỳ hạn từ 6 - 12 tháng là 2,8 -5,8%/năm, kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,7 - 6,1%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4%/năm (QTDND là 5%/năm), các lĩnh vực khác phổ biến từ 7,5 - 12%/năm. các TCTD tiếp tục mở rộng cho vay đi đôi với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương, địa phương. Đến 31/12/2024, dư nợ đạt 95.757 tỷ đồng, tăng 9% so đầu năm, tăng 4,84% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,19%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng VNĐ đạt 90.679 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 59.790,8 tỷ đồng, chiếm 64,9% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất, lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 7,2% tổng dư nợ, lãi suất từ 6 - 7%/năm chiếm khoảng 8,9% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7 - 9%/năm chiếm 39% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 38% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 6,9% tổng dư nợ. Các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của khách hàng vay; hạn chế, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh mới. Đến 31/10/2024, nợ xấu nội bảng trên địa bàn là 3.032,2 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 1,05% so đầu năm.
Ông Phan Thanh Én – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, cho hay: Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 53.189,6 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 648,8 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.735,3 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng dư nợ. Bên cạnh tín dụng của ngân hàng thương mại, tín dụng cho các đối tượng chính sách cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 5.134 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ đạt 208,7 tỷ đồng. Cho vay giải quyết việc làm đạt 1.318 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 730,8 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 210 tỷ đồng... Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản 60.000 tỷ đồng, các chi nhánh ngân hàng đã tích cực tham gia triển khai thực hiện chương trình tín dụng. Đến thời điểm này dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đạt 103 tỷ đồng/92 khách hàng với lãi suất cho vay ưu đãi 7 - 8,5%/năm...
Nguồn vốn cho vay dồi dào tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng...