Không thể “thờ ơ” với vệ sinh an toàn thực phẩm ngày tết
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:30, 13/01/2025
Chưa bao giờ vấn đề ATTP lại được quan tâm lưu ý như hiện tại. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nở rộ. Rau gắn mác hữu cơ, các sản phẩm VietGAP vẫn “nhan nhản”, nhưng tiêu chuẩn thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng vẫn “còn” mơ hồ… An toàn vệ sinh thực phẩm đang tạo ra “sức nóng”. Bên cạnh thực phẩm sạch, sản phẩm chất lượng cao; con người đang phải đối mặt với các loại thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo vệ sinh về chất lượng cũng như độ an toàn trong chế biến, sản xuất. Mà một trong những mối lo thường trực cũng như nhức nhối hiện nay là việc sử dụng hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến thực phẩm.
Trong dịp cận Tết Nguyên đán 2025, chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “tên món ăn + nhà làm”, ngay lập tức hiện ra rất nhiều trang Facebook cá nhân, fanpage hay các hội nhóm rao bán loại thực phẩm đủ các loại. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, và thậm chí có thể “trà trộn” thực phẩm không an toàn làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Một số nhà sản xuất, đơn vị cung ứng còn chưa có tính tự giác trong sản xuất và chế biến các sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng mà họ còn chạy theo lợi nhuận; nông dân sản xuất manh mún; sản xuất theo phong trào; sản xuất thủ công chưa ứng dụng công nghệ… và tiềm ẩn “nguy cơ” từ đây.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng ưa thích “thực phẩm quê”, “thịt nhà nuôi, rau nhà trồng”... rất nhiều tiểu thương trên “chợ mạng” đã tung ra các thực đơn với danh nghĩa “nhà làm”. Những thực phẩm thủ công được rao bán nhiều nhất là: giò chả, lạp xưởng, nem, pate, củ kiệu, khô gà/bò, các loại cá/tôm khô, các loại bánh, kẹo, mứt… Nhiều người có những hành vi gian dối, hàng kém chất lượng nhưng “đội lốt” nhãn mác VietGAP đưa vào cửa hàng lớn, có thể không ngoại trừ cả trong siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại ngược lại cho những người nông dân làm VietGAP chân chính.
Ở góc độ khác, nguồn lương thực, thực phẩm của nước ta quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch, còn có sự “bất hợp lý” khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường. Tỷ lệ vi phạm ATTP, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển. Chính vì vậy, ATTP đang trở thành “vấn đề lớn”, nhức nhối trong xã hội; khi càng ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn và kém chất lượng. Do đó từng cá nhân, tổ chức cần phải có trách nhiệm cụ thể để đảm bảo vệ sinh ATTP cho chính bản thân cũng như gia đình và xã hội.
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Nhận thức của người dân về bảo đảm ATTP đã có chuyển biến rõ rệt; vấn đề ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, mức độ, ảnh hưởng và vẫn “tiềm ẩn” nguy cơ không bảo đảm ATTP gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng, cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó các địa phương trong tỉnh cần xây dựng phương án khuyến khích phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp khi hợp tác với nông dân cần có sự liên kết với Hội nông dân, chính quyền sở tại để tăng thêm hệ thống giám sát, nhằm tạo sự minh bạch cho sản phẩm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.
Tóm lại, để có thực phẩm sạch, an toàn điều quyết định vẫn thuộc về nhà sản xuất. Nếu nhà sản xuất, người nuôi trồng chỉ chạy theo lợi nhuận và công tác quản lý còn lúng túng bất cập những chế tài cần thiết vẫn còn đang thiếu thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. Chỉ có bằng pháp luật để kiểm tra, kiểm định giám sát, có như vậy mới đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó là vấn đề đạo đức xã hội, muốn vậy từng doanh nghiệp, từng người cần phải ngồi lại với nhau để cùng làm, cùng phát triển và đã đến lúc chuyển từ “khuyến khích” sang “bắt buộc”, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp, từ hệ thống phân phối lớn, từ tập đoàn lớn, dần trở thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.
Thực phẩm và sử dụng thực phẩm ngày tết là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà. Đảm bảo ATTP là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân trên cả nước và tỉnh nhà đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trong niềm vui tươi trọn vẹn, hãy cùng nhau góp phần nhỏ của mình vào xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh, hướng đến niềm vui trọn vẹn trong những bữa cơm hằng ngày, để bữa cơm ngày tết không còn nỗi lo thực phẩm “bẩn” và mọi người, mọi nhà không thể “thờ ơ” với vệ sinh an toàn thực phẩm.